28/12/2011 12:42 AM
Những cụm từ “Ly hôn giả để mua nhà”, “sốt đất”, “sốt giá nhà” hiện không còn xuất hiện trên các trang báo Trung Quốc trong thời gian gần đây vì cơn sốt đất tại Trung Quốc đã hạ nhiệt.
Giá nhà đất tại hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc đều giảm hoặc giậm chân tại chỗ. Cách đây hai năm, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tìm cách giảm nhiệt cơn sốt bất động sản để dập tắt hiểm họa tiềm tàng dẫn đến bất ổn xã hội. Chính phủ thắt chặt cho vay mua bất động sản và quy định nghiêm ngặt về việc mua nhà.

13 thành phố lớn tại Trung Quốc có doanh số bán nhà sụt giảm hơn 50%. Quý Dương, thủ phủ của tỉnh Quý Châu, có mức giảm mạnh nhất: 74,09%. Còn theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 11, doanh số bán nhà thương mại ở Trung Quốc giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng diện tích nhà ở thương mại đã bán trong giai đoạn này giảm 1,7%. Theo dự báo, giá nhà đất còn có thể giảm khoảng 15% đến 20% trong thời gian tới do Chính phủ Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục kiềm chế giá bất động sản.


Khi thực hiện chính sách hạ nhiệt có dấu hiệu thành công, Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Với hơn 10 triệu đơn vị nhà ở đã tiến hành xây dựng trong năm nay và trong năm tới sẽ là 7 triệu, Bộ Nhà ở và Xây dựng Thành thị- Nông thôn hy vọng sẽ cân bằng phân khúc thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp.


Nền kinh tế tăng trưởng nóng của Trung Quốc trong thời gian qua đã tạo nên những hố sâu giữa các tầng lớp trong xã hội. Các chính sách mở rộng cửa cho thị trường bất động sản từ những năm 2000 đã tạo điều kiện cho những tay đầu cơ thao túng thị trường nhà đất bằng cách gây ra những “cơn sốt ảo”, giá nhà đất tăng chóng mặt, dẫn đến hiện tượng tiêu tan giấc mơ có chốn dung thân lâu dài của nhiều người dân có thu nhập trung bình.


Tờ China Daily nhận định, những người có thu nhập thấp được sở hữu một ngôi nhà cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ có điều kiện sống tốt hơn. Điều này giúp chính phủ thực hiện tốt các biện pháp an sinh - xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.


Trước đây, khi chính phủ tuyên bố ghìm giá bất động sản, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ kìm hãm đà phát triển kinh tế của Trung Quốc vì bất động sản là một trong những động lực tăng trưởng chính ở Trung Quốc, cũng là nguồn cầu lớn đối với thép và xi măng, các mặt hàng khác như đồ nội thất. Có đến 25% sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc gắn bó mật thiết với lĩnh vực bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn giữ lập trường về việc quản lý thị trường bất động sản để đảm bảo giá nhà quay trở lại mức hợp lý bằng việc khuyến khích đầu tư xây dựng nhà có thu nhập thấp.


Phát triển nhưng phải đi đôi với bền vững là yếu tố tiên quyết để xây dựng một xã hội ổn định. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thời kỳ tăng trưởng nóng đã khiến Trung Quốc phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng của quốc gia. Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều về chính sách bất động sản mới nhưng qua việc có thêm nhiều người dân thu nhập thấp được hưởng lợi thì có thể thấy đây là một chính sách không phải không hợp lý.

Theo Thanh Hằng (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.