TP.HCM cần huy động 25 tỉ USD từ nay đến năm 2028 để triển khai hệ thống metro
Một trong những vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm “Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM” đó là phương án huy động vốn để thực hiện các dự án metro tại thành phố.
Thông tin từ MAUR cho biết, TP.HCM đã quy hoạch 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray với tổng chiều dài khoảng 220 km. Đến nay, Thành phố mới đầu tư được 2 tuyến. Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thực hiện từ năm 2007, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Còn tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành năm 2032. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư.
Về nhu cầu vốn để triển khai các dự án này, từ nay đến năm 2028 sẽ cần khoảng 25 tỉ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị. Đại diện MAUR cho biết, nguồn lực tài chính thực hiện dự án đường sắt đô thị tại TPHCM hiện nay chủ yếu là vốn vay ODA cùng ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 10 - 20%.
Ông Hoàng Ngọc Tuân - Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị Đầu tư (MAUR) cho rằng chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước và ODA là không đủ, từ đó đề xuất huy động vốn từ 5 nguồn: ngân sách Nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng; vốn thu được từ đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường; vay vốn trong nước; vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu.
Sơ đồ hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM
Trong đó, theo tính toán của MAUR, phương án đấu giá đất kết hợp mô hình TOD (quy hoạch đô thị định hướng hạ tầng giao thông) có khả năng thu về 50.000 tỉ từ đấu giá quỹ đất cho mỗi tuyến metro.
“Một nhà ga làm theo mô hình TOD bán kính nhỏ nhất 500 m thì mỗi nhà ga kết hợp với làm khu đô thị với diện tích khoảng 80 ha. Ứớc tính mỗi ha tạo ra được giá trị thặng dư 50 tỉ đồng, khi nhân với hàng ngàn ha dọc mỗi dự án thì hoàn toàn có thể đạt được con số 50.000 tỉ đồng”, đại diện MAUR cho biết.
"Hầu hết các đề xuất chúng tôi nêu ra đều chưa có trong quy định của pháp luật. Nhưng, chúng ta phải làm khác đi như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói mới đây, nếu cứ làm như cũ thì 100 năm nữa TP.HCM mới hoàn thiện được mạng lưới metro" ông Hoàng Ngọc Tuân nhấn mạnh.
Phía MAUR nhận định việc đầu tư theo mô hình TOD là phương án khả dĩ để triển khai hệ thống metro thay vì sử dụng nguồn vốn ODA. Đơn vị đưa ra các khó khăn như thủ tục, điều kiện vay phức tạp, suất đầu tư cao, phụ thuộc thiết kế, công nghệ... dẫn đến việc Thành phố sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ.
Mô hình quy hoạch đô thị từ các dự án hạ tầng là giải pháp huy động nguồn vốn hữu hiệu để triển khai các dự án metro
Đồng quan điểm, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cũng chỉ ra rằng việc vay ODA dù lãi suất thấp nhưng các chi phí khác khá cao, nếu tính chung lại có thể còn cao hơn cả vốn vay thương mại.
Theo bà Trang, cùng với giải pháp đấu giá đất dọc đường metro, TP.HCM có thể huy động vốn từ phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình, thời gian tới lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt nên phát hành trái phiếu quốc tế sẽ thuận lợi hơn.
“Nếu huy động được các nguồn vốn khác nhau từ trái phiếu, đấu giá quỹ đất thì sẽ có một lượng vốn lớn để đầu tư 200 km metro để hoàn thành vào năm 2035” bà Trang nhấn mạnh.
Nâng tổng chiều dài hệ thống metro TP.HCM lên 500kmMAUR cũng đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài các tuyến metro từ 220 km hiện nay lên khoảng 400 - 500 km, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến 2035 và giai đoạn 2 sau năm 2035. Khi quy hoạch phải xác định ngay ranh giới, vị trí và thiết kế đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), với bán kính 500 - 1.000 m xung quanh nhà ga. Ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án cần thu hồi đất ngay để đảm bảo có quỹ đất đấu giá và tránh tình trạng đầu cơ đất đang diễn ra tràn lan. Như vậy mới có thể đảm bảo mục tiêu đến 2028 thu hồi được toàn bộ mặt bằng sạch để thi công. |
-
TP.HCM mở thêm 3 tuyến đường sắt đô thị đi sân bay, Cần Giờ và Bình Dương
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM nghiên cứu điều chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đường sắt kết nối nội vùng, và liên vùng, hoàn chỉnh hệ thống đường trên cao, các đường ven hai bờ sông Sài Gòn…
-
Giao dịch bất động sản tăng vọt, thuế và phí trước bạ đạt 6.540 tỷ đồng
9 tháng qua, thu thuế thu nhập cá nhân và phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản tăng cao, chủ yếu do nhu cầu giao dịch bất động sản của người dân tăng.
-
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành vào năm 2028. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm cải thiện hạ tầng giao thông của TP.HCM, đặc biệt là với vai trò huyết mạch nối liền thành phố với tỉnh B...
-
TP.HCM: Không kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục đất đai
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi cấp giấy chứng nhận đối với hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM.