Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM nghiên cứu điều chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đường sắt kết nối nội vùng, và liên vùng, hoàn chỉnh hệ thống đường trên cao, các đường ven hai bờ sông Sài Gòn…

Mở thêm 3 tuyến đường sắt đô thị

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro) mới để tăng cường kết nối trung tâm thành phố với sân bay Tân Sơn Nhất, huyện Cần Giờ và tỉnh Bình Dương

TP.HCM nghiên cứu bổ sung các tuyến đường sắt đô thị kết nối sân bay, huyện Cần Giờ và tỉnh Bình Dương (ảnh minh họa)

Cụ thể, cơ quan đang làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị về việc tổ chức nghiên cứu thêm các giải pháp kết nối các tuyến đường sắt đô thị với hệ thống sân bay. Cụ thể, bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối qua các nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để về đến trung tâm TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đồng thời kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (theo đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành).

Nghiên cứu bổ sung quy hoạch kéo dài tuyến metro số 6, kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Bên cạnh đó, định hướng kết nối các tuyến đường sắt đô thị số 3b và số 4 của TP.HCM với các tuyến đường sắt đô thị đang được nghiên cứu của tỉnh Bình Dương.

Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Bình Dương nghiên cứu chuyển đoạn tuyến đường sắt quốc gia từ sau ga An Bình mới (Bình Dương) về ga Sài Gòn thành đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, chuyển ga đầu mối hành khách của tuyến đường sắt quốc gia (TP.HCM – Hà Nội) từ ga Bình Triệu (Bình Dương) về ga An Bình mới.

Kéo dài các tuyến đường trên cao

Sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu ko dài các tuyến đường trên cao đã được quy hoạch trước đây để hình thành các trục xuyên tâm Bắc - Nam, Đông - Tây TP.HCM kết nối theo các tuyến giao thông đối ngoại đến các tỉnh lân cận.

Cụ thể gồm: Trục Bắc - Nam phía Tây (Bắc Nam 1) từ Vành đai 3 TP.HCM đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Trục Bắc - Nam phía Đông (Bắc Nam 2) từ nút giao Quốc lộ 13 với đường Vành đai 3 TP.HCM (trên địa bàn Bình Dương) đến đường Nguyễn Văn Linh (nút giao đầu cầu Phú Mỹ); Trục Đông - Tây phía Bắc (Đông Tây 2) từ đường Vành đai 3 – nhánh phía Tây (trên địa bàn TP.HCM) kéo dài kết nối với Quốc lộ 1K đến giao với đường Vành đai 3 (nhánh trên địa bàn Bình Dương).

TP.HCM muốn kéo dài các tuyến đường trên cao

Bên cạnh đó là tuyến trên cao dọc đường Vành đai 2 TP.HCM; Tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đoạn trên cao từ đường Nguyễn Hữu Thọ - Hoàng Quốc Việt - cầu Phú Mỹ 2 và kết nối vào Tỉnh lộ 25C (trên địa bàn Đồng Nai); Bổ sung tuyến trên cao từ nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Nghiên cứu xây đường ven sông Sài Gòn

Hệ thông đường ven sông Sài Gòn cũng là một nội dung được lãnh đạo TP.HCM và Bình Dương đặc biệt quan tâm, đặt ra yêu cầu sớm triển khai thực hiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông.

Hiện nay Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đang triển khai Đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn theo định hướng khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông.

Nghiên cứu xây đường ven sông Sài Gòn

Sở GTVT TP.HCM lưu ý đơn vị tư vấn cập nhật quy hoạch phát triển giao thông vận tải từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh để mở rộng phạm vi nghiên cứu, xác định quy mô mặt cắt ngang và vị trí hướng tuyến phù hợp trên từng đoạn…

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.