Sử dụng đất trái phép
Phản ánh tới Báo TN&MT, người dân thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương cho biết: Nhà máy sản xuất gạch ceramic của Công ty CP Giầy Cẩm Bình xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Hải Dương đã tiến hành thanh tra hoạt động chấp hành pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường đối với Công ty này.
Công ty CP Giầy Cẩm Bình tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước (Xí nghiệp dệt xuất khẩu Hải Hưng) sau đó đổi tên Công ty Dệt may Cẩm Bình Hải Hưng. Sau này Công ty tiếp tục được chuyển đổi mô hình thành Công ty Cổ phần theo Quyết định số 2940/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh Hải Dương.
Sau khi người dân phản ánh, tỉnh Hải Dương đã vào cuộc xử lý, tại Kết luận số 2241/KL-UBND, ngày 18/6/2021 của tỉnh Hải Dương có ghi: Công ty hiện đang quản lý, sử dụng 75.353 m2 đất (gồm: Khu tập thể 1.025,7 m2 ở phía Nam Quốc lộ 5A, khu nhà máy 74.353 m2 ở phía Bắc Quốc lộ 5A).
Trong đó, khu tập thể chưa có thủ tục đầy đủ pháp lý về đất đai, việc quản lý lỏng lẻo, để một số trường hợp cải tạo, xây dựng công trình không có thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong quá trình chấp hành thanh tra, Công ty CP Giầy Cẩm Bình đã có Công văn số 29-CV/GCB gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thừa nhận thiếu sót và đề nghị cho phép Công ty quy hoạch khu đất này, lập dự án nhà ở tập thể phục vụ công nhân.
Công ty Cổ phần Giầy Cẩm Bình
Còn lại diện tích, khu nhà máy của Công ty CP Giầy Cẩm Bình là 74.353 m2 (trong đó có 21.597,6 m2 đất Công ty sử dụng liên tục từ năm 2007 đến nay) để sản xuất gạch ceramic nhưng không có thủ tục về đất theo quy định. Trong diện tích đất này, có 16.418 m2 đất được UBND huyện Cẩm Giàng cho hộ bà Phạm Thị Lan thuê để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và chất đốt theo Quyết định số 354/QĐ-UBND ngày 4/7/2007.
Sau khi được thuê đất, bà Lan không xây dựng nhà xưởng mà ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09/HĐ ngày 15/8/2007 với Công ty CP Giầy Cẩm Bình để xây dựng nhà xưởng, kho bãi, lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch ceramic.
Sau đó, hộ bà Lan không có khả năng thực hiện Dự án nên đã làm đơn trả lại đất, UBND huyện Cẩm Giàng đã ra Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 11/11/2009 thu hồi lại diện tích đất trên của bà Lan và giao cho UBND thị trấn Lai Cách quản lý. Trên thực tế, Công ty CP Giầy Cẩm Bình vẫn đang quản lý, sử dụng để sản xuất gạch ceramic liên tục từ đó đến nay. Tiếp đó, ngày 12/11/2009 và 8/7/2016, Công ty này có 2 đơn xin thuê đất, được UBND thị trấn Lai Cách và UBND huyện Cẩm Giàng xác nhận, nhưng do vướng mắc về mục đích sản xuất gạch ceramic nên Công ty này chưa được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định cho thuê đất.
Còn lại, 5.179,6 m2 đất thuộc quy hoạch đường Cụm Công nghiệp, mương đất khó canh tác mà UBND huyện Cẩm Giàng đã giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao UBND thị trấn Lai Cách quản lý, nhưng thực tế bà Lan và sau đó là Công ty CP Giầy Cẩm Bình sử dụng liên tục từ năm 2007 đến nay.
Chính quyền có “tiếp tay”?
Về phía chính quyền thị trấn Lai Cách và UBND huyện Cẩm Giàng, mặc dù Công ty CP Giầy Cẩm Bình xây dựng Nhà máy sản xuất gạch ceramic hoạt động trên diện tích đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, không được cấp phép xây dựng, nhưng không hiểu vì lý do gì khi Công ty này có đơn xin thuê đất, chính quyền địa phương vẫn ký xác nhận?!
Nhà máy sản xuất gạch ceramic xây dựng không thủ tục đầu tư, cấp phép
Trong Kết luận Thanh tra số 2241/KL-UBND ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ rõ: UBND thị trấn Lai Cách có dấu hiệu buông lỏng quản lý với diện tích đất 21.597.6 m2 được UBND huyện Cẩm Giàng giao, để Công ty CP Giấy Cẩm Bình sử dụng, xây dựng công trình không đúng quy định trong thời gian dài mà không có biện pháp xử lý theo quy định. Thị trấn không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tự ý cải tạo, xây dựng công trình tại khu tập thể và Nhà máy.
UBND huyện Cẩm Giàng chưa làm hết trách nhiệm sau khi thu hồi diện tích 16.418 m2 đất của hộ bà Lan. Đặc biệt, không sâu sát để Công ty CP Giấy Cẩm Bình quản lý, sử dụng đất liên tục đến nay không đúng quy định của pháp luật. Quá trình sử dụng đất đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hoạt động sản xuất gạch ceramic không có thủ tục theo quy định, tuy nhiên, UBND huyện Cẩm Giàng không có giải pháp ngăn chặn, xử lý.
Các Sở TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng chưa chỉ đạo quyết liệt, xử lý kịp thời và báo cáo UBND tỉnh để xử lý sai phạm của Công ty Giầy Cẩm Bình.
Sở Tài chính chưa kịp thời phát hiện, hướng dẫn, đôn đốc Công ty CP Giầy Cẩm Bình để xử lý đối với tài sản công là diện tích khu tập thể 1.025,7 m2. Cục Thuế tỉnh chưa phát hiện, chỉ đạo kịp thời việc thu đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đối với việc sử dụng đất của Công ty CP Giầy Cẩm Bình.
Trong nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Giầy Cẩm Bình đã sử dụng diện tích đất lớn sai phạm nghiêm trọng, xây dựng cả Nhà máy sản xuất gạch ceramic “hoành tráng” không có thủ tục đầu tư, xây dựng… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ dân.
Sai phạm đã rõ, Kết luận Thanh tra đã nêu, liệu rằng những sai phạm trên có được UBND tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng xử lý dứt điểm hay lại “hợp thức hóa sai phạm” cho doanh nghiệp?!
-
Hải Dương: Phạt, cho “hợp pháp hóa” tòa nhà karaoke 7 tầng xây không phép
Tỉnh Hải Dương lại ra quyết định xử phạt gần 1 tỷ đồng công trình quán karaoke xây trái phép và cho khắc phục sai phạm để hoàn thiện.
-
Khu kinh tế 5.300ha đang được Hải Dương nghiên cứu triển khai có những gì?
Trong khu kinh tế có quy mô 5.300ha đang được tỉnh Hải Dương nghiên cứu đầu tư gồm có nhiều phân khu chức năng. Trong đó, nổi bật là khu thương mại dịch vụ, logistics rộng 75ha, khu đô thị dân cư 530ha gắn liền với các tuyến cao tốc, khu công nghiệp....
-
Chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị mới gần 500 tỉ đồng ở Hải Dương
Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị mới Bắc cầu Hàn (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất là 26.970m2 tại xã Minh Tân, huyện Nam Sách.
-
Hải Dương duyệt chi gần 1.900 tỉ đồng xây dựng hai cầu mới vượt sông Kinh Thầy
Dự án xây dựng cầu Tân An, cầu Vạn bắc qua sông Kinh Thầy giúp kết nối TP. Chí Linh với huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn vừa được phê duyệt đầu tư có tổng kinh phí gần 1.900 tỉ đồng.