13/07/2021 9:00 PM
Từ bài học về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc ngày 24/6/2021 làm sập nhà chung cư 12 tầng tại Surfside Florida Hoa Kỳ, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM kiến nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014, Nghị định 101/2015/CP,. Trước hết, cần đặc biệt quan tâm cải tạo, xây dựng lại hơn 1.000 khu nhà chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 ở nước ta, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM.

Một khu chung cư cũ ở Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng

“Mỗi mùa mưa đến là một mùa xô chậu”, người dân ở một số chung cư cũ tại Hà Nội thường canh cánh nỗi lo như vậy. Bởi mỗi khi mưa xuống, nhiều bức tường nứt ngang, nứt dọc khiến nước thấm dột, chảy vào nhà, không chỉ gây khó khăn mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đối với cuộc sống người dân…

Men theo đường Hồng Hà, đến khu tập thể cũ 5 tầng được đánh số 717, thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, sau cơn mưa đêm không quá nặng hạt mà lối vào đã ngập nước. Cầu thang dẫn lên các tầng ẩm ướt, tối tăm, đôi chỗ còn bị lún, hai bên tường bong tróc. Hàng trăm người dân sống trong tình trạng này mấy chục năm rồi.

Mùa mưa bão, cư dân "não lòng"

Chung cư này vốn thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, dành cho các gia đình thương binh sinh sống. Ông Hướng, tổ trưởng tổ dân Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Khu tập thể 717 được xây theo kiểu lắp ghép. Hiện các tầng đều xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt tại tầng 5, hệ thống chống thấm và thoát nước đã hư hỏng nặng. Cứ mưa to là nước từ trần không kịp thoát, đọng lại dẫn đến thấm ẩm, rò rỉ vào nhà. Vì vậy, cứ đến mùa mưa, xô chậu lại được các hộ mang ra để hứng dột. Chúng tôi hay nói đùa “mùa mưa bão là mùa xô chậu”.

Ông Hùng, một cư dân sống tại tầng 1 nói: “Khu này được xây dựng từ những năm 80. Ở đây, nền nhà trên đồng thời cũng là trần nhà dưới. Do nền yếu, người đi phía trên thì người ở dưới nghe rõ tiếng bước chân. Cá biệt có những lúc trần rung rất sợ. Nhà càng cao càng bị ảnh hưởng nhiều”. Diện tích mỗi căn hộ chỉ khoảng 15 - 30m2, bên trong đã cũ nhưng không thể sửa chữa kiên cố do tòa nhà được xây dựng lâu năm nên kết cấu rất yếu, đành sống tạm bợ ngày qua ngày. Cố ở cũng không xong, bán cũng chẳng ai mua vì không được cải tạo lại.

Cách đó không xa, khu tập thể Bệnh viện 108, số 1 Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng với 5 khu D1, D2, D3, D4, D5 cũng trong tình cảnh tương tự. “Nếu mưa to, các hộ tầng 5 phải chịu nhiều ảnh hưởng do hệ thống thoát nước và chống thấm trên trần trải qua năm tháng đã yếu kém. Nhiều nhà ngấm nước, bung lở, dẫn đến thấm dột. Chỉ một cơn mưa nhỏ đã ảnh hưởng chứ chưa nói đến mùa mưa bão”, ông Tuấn, Trưởng ban quản trị của tòa nhà cho biết.

Khu tập thể này xây dựng cho cán bộ Bệnh viện 108, cấp úy được cấp 30-32m2, cấp tá được cấp 40m2. Nhưng nhà nào cũng phải cơi nới mới đủ chỗ để ở. Đa số mỗi gia đình gồm ba thế hệ. Trung bình có 6-7 người cùng sinh sống.

Ông Do, đang sống ở tầng 3 toà D5, cho biết: “Tình trạng nhiều người cùng làm việc và học tập trong một không gian chật hẹp khiến nảy sinh không ít mâu thuẫn. Còn khi mưa, nước ngấm tường là chuyện bình thường. Tòa nhà này xây từ xưa, vật liệu thì nhiều cát và ít vôi. 100% các hộ phải tự cải tạo mới ở được. Trải qua năm tháng, mưa một trận là tường bong lở. Có nhà đang ăn cơm, cả mảng vôi to bằng cái mâm rơi giữa nhà. Chúng tôi lúc nào cũng sống trong thấp thỏm lo âu”.

Sống khổ nhưng khó chấp nhận di dời

Lãnh đạo tổ dân phố ở đây cũng thừa nhận hiện nay, hệ thống đường ống không đáp ứng được khả năng thoát nước vào mùa mưa. Mỗi khi có một cơn mưa to là nước dềnh khắp sân vì cống không kịp thoát, cả khu lại bì bõm trong nước. Bên cạnh đó, người dân còn lo về từng búi dây điện giăng chằng chịt trước hành lang các tầng, ngay tầm với trẻ nhỏ, vừa nguy hiểm lại mất thẩm mỹ.

Cấp bách hơn là hệ thống bể phốt cũ không còn phù hợp với mật độ dân cư dày đặc. Các hộ dân dưới tầng 1 phải đưa thẳng ống nước thải ra ngoài cống chung. Mỗi khi mưa đến, nước mưa hòa nước bể phốt khiến cả khu ô nhiễm trầm trọng.

Nói về tình trạng này, bà Huệ, một hộ dân tại tầng 1 tòa D5 chia sẻ, 20 năm bà gắn bó với khu tập thể là 20 năm gia đình khổ sở vì nước sinh hoạt. Từ khi bà về đây là từng đấy năm các hộ tập thể phải dùng chung một bể nước lớn.

Không có hộ nào lắp được nguồn nước riêng do không đủ nguồn nước đáp ứng cho từng hộ. Đã có 4-5 hộ tách ra nhưng nguồn nước nhỏ giọt khiến sinh hoạt vô cùng khó khăn. Họ bắt buộc phải quay về dùng bể chung.

Thiếu nước sinh hoạt nhưng mỗi khi mưa lớn, các hộ dân tầng 1 như gia đình bà lại lo nước tràn vào nhà do cống chung không kịp thoát. Tuy nhiên, khi nói về việc di dời, bà Huệ bày tỏ: “Nếu Nhà nước có chủ trương di dời, gia đình tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên, tầng 1 như nhà tôi là nơi buôn bán kiếm sống, vì vậy phải có chính sách đền bù thỏa đáng”.

Cũng giống như gia đình bà Huệ, hầu hết các gia đình ở tầng 1 của các khu tập thể cũ đang xuống cấp dù phải “sống khổ” nhưng rất khó chấp nhận di dời bởi đây là chỗ ở, đồng thời cũng là nơi mưu sinh của họ.

Nhiều hộ gia đình khác thì mong muốn được đền bù, tái định cư ở căn hộ có diện tích gấp rưỡi, gấp đôi diện tích căn hộ họ đang sống. Điều này là bất khả thi vì các doanh nghiệp tham gia tái thiết chung cư cũ bị giới hạn về tầng cao công trình nên khó có lãi.

Thực tế cũng cho thấy, dù sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm, song việc vận động được tất cả người dân di dời để giải phóng mặt bằng, tái thiết lại các chung cư cũ vẫn là hành trình vô cùng gian nan.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, phân tích: “Việc cải tạo chung cư cũ đang gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có vướng mắc ngay từ quy định pháp luật. Ví như trong Luật Nhà ở, trách nhiệm thuộc về thành phố và chính quyền địa phương nhưng có nơi thì nói phải 100% dân đồng ý; còn thành phố thì đưa ra ý kiến cứ 70% đồng ý mới tiến hành phá dỡ. Còn các vấn đề chính sách đền bù, tái định cư ra sao, Nhà nước tạo điều kiện như thế nào, cũng chưa có câu trả lời thoả đáng”.

Những vướng mắc trên chính là lý do khiến hàng chục năm qua, tiến độ xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ gần như “giậm chân tại chỗ”. Với tình trạng này, người dân ở các chung cư cũ xuống cấp sẽ vẫn còn “não lòng” trước mỗi mùa mưa bão.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1990. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã tiến hành 5 đợt kiểm định, từ đó phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần: Cấp A (chỉ cần sửa chữa nhỏ), cấp B (cần sửa chữa nhỏ nhưng chưa thật cấp bách), cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường), cấp D (phải xây dựng mới, ưu tiên làm ngay vì có nguy cơ sụp đổ).

Qua các đợt kiểm định (tổng số 377 nhà chung cư cũ), các cơ quan chức năng đã xác định 7 nhà cấp D, gồm: B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (đều tại quận Ba Đình) và tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa).

Trên cơ sở kết quả kiểm định này, từ năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có các quyết định di dời khẩn cấp người, tài sản tại các nhà chung cư cấp độ D để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đến nay mới có 2/7 chung cư cũ nguy hiểm cấp D hoàn thành di dời các hộ dân, thực hiện cải tạo, xây dựng mới.

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, thành phố sẽ tập trung nguồn lực tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 và đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; trong đó, ưu tiên các khu nhà nguy hiểm cấp D.

  • Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Các chuyên gia đưa quan điểm và giải pháp

    Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Các chuyên gia đưa quan điểm và giải pháp

    Trước thông tin Thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 2 đến 3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận ý kiến, quan điểm của các chuyên gia luận bàn về những giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” trong vấn đề này.

Thanh Xuân (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.