Thông tin tới đây nếu Nghị định về cải tạo chung cư cũ được ban hành, Nhà nước sẽ là chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ chứ không phải là các DN như hiện nay.

Người dân có thể lựa chọn giữa việc đến nơi ở mới với diện tích rộng hơn, hoặc ở lại nơi ở cũ với diện tích căn hộ không đổi… đã làm xôn xao dư luận. Với tiến độ quá ỳ ạch trong triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ của Hà Nội hiện nay, thì động thái quyết liệt này được xem là một việc cần thiết để góp phần cải thiện bộ mặt thủ đô. Chỉ mong “quân lệnh như sơn”.


Giậm chân tại chỗ


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 982 chung cư do thành phố quản lý và 173 chung cư, nhà tập thể khác do Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý, trong số đó có 456 khu cần cải tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có chưa đầy 1% chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại, bên cạnh khoảng 10 khu nhà đang được khởi công.


Nguyên nhân của tiến độ gần như giậm chân tại chỗ này được xác định chủ yếu do các hộ dân đang sinh sống trong các khu chung cư cũ trây ỳ, không thống nhất được phương án đền bù. Thực trạng cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ là một ví dụ điển hình. Được thành phố chọn là dự án thí điểm thực hiện cải tạo từ năm 2002 nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai vì nhiều lý do. DN đứng ra làm chủ đầu tư các dự án kiểu này cũng méo mặt vì cái gọi là “tự thỏa thuận với dân”. Và vì là “tự thỏa thuận” nên dự án thường kéo dài, khó tìm được tiếng nói chung. Chung cư cũ vì vậy vẫn trường tồn với thời gian, bất chấp nguy hiểm rình rập, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, bộ mặt thành phố nhếch nhác.


Con số đưa ra của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng, khi bàn về giải pháp đẩy nhanh chương trình cải tạo chung cư cũ mới đây làm không ít người giật mình: Chỉ với một khu tập thể Nguyễn Công Trứ, để có thể tiến hành cải tạo được, dự kiến thành phố phải bổ sung đến 2.000 tỉ đồng, trong khi với số tiền đó thì có thể xây được cả một khu đô thị mới!


Bên cạnh đó, công tác GPMB các dự án rất khó khăn, người dân chỉ muốn tái định cư tại chỗ, không muốn chuyển đi vì hộ khẩu ở trung tâm. Có dự án kéo dài nhiều năm không thể triển khai vì dân đòi căn hộ mới phải rộng, đẹp hơn, trong khi nếu bảo đảm các chỉ tiêu quy hoạch theo quy định thì các chủ đầu tư khó bảo đảm yêu cầu về tái định cư cũng như khả năng cân đối tài chính... Bản thân người đứng đầu thành phố cũng thừa nhận, đã đến lúc phải xem xét lại quan điểm và phương pháp xây lại chung cư cũ hiện nay.


Cải tạo chung cư cũ: 10 năm... chưa làm được 1%
Ảnh: Giang Huy.

Nhà nước phải có trách nhiệm


Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Theo bộ trưởng, không thể thực hiện cải tạo lại nhà chung cư cũ với cách làm như hiện nay. Để mở lối xây dựng lại chung cư cũ, phải xây dựng quy trình, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại. Hà Nội và TPHCM sẽ làm điển hình để nhân rộng ra các đô thị trong toàn quốc.


“Nếu Nhà nước quyết liệt thực hiện thì sẽ hoàn thành trong 10 năm tới” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định và cho biết thêm, chung cư là của người dân, nếu người dân không tự nguyện xây lại thì Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng chứ không phải DN. Theo Nghị định về cải tạo chung cư cũ Bộ Xây dựng đang soạn thảo để trình Chính phủ, khu đất của nhà chung cư cũ sẽ được đấu giá hoặc xây nhà xã hội. Các địa phương hằng năm có trách nhiệm công bố những công trình nào phải di dân, chung cư nào nguy hiểm.


Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng chương trình cùng các cơ chế chính sách cụ thể về phát triển nhà ở. Một mặt có cơ chế khuyến khích các DN đầu tư nhà giá rẻ, Nhà nước khống chế giá bán hoặc cho thuê giá rẻ, mặt khác, Nhà nước chủ động đầu tư trực tiếp hoặc theo hình thức BT, để có quỹ nhà bán hoặc thuê mua, cho thuê giá rẻ, cho ở miễn phí... Có như vậy, mới mong khắc phục được cơ bản những mặt tồn tại, bất cập hiện này, đặc biệt trong các chính sách về cải tạo nhà chung cư cũ.

Theo Song Minh(Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland