CafeLand - Hầu hết các điểm đến du lịch ở Việt Nam, cả điểm đến truyền thống lâu đời và điểm đến mới đều có tiềm năng để phát triển trong thời gian tới, theo ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương.

Ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương

Năm 2019 đã khép lại, ông nhận định thế nào về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm vừa qua?

Năm 2019, kết quả của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không đồng đều khi một số tỉnh thành có hoạt động rất tốt, một số khu vực ghi nhận sự sụt giảm về vận hành.

Nhìn chung, nguồn cầu vẫn tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng trưởng lượt du khách quốc tế đạt mức 15,4% trong 11 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các điểm đến nghỉ dưỡng lân cận như Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng lượt khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,5% trong 9 tháng đầu năm 2019.

Tính đến hết tháng 11 năm 2019, khách châu Á đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng, trong đó lượt khách từ thị trường Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc có sự gia tăng đáng kể với mức tăng lần lượt là 47,1%, 30,2% và 22,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Hà Nội đạt được kết quả nổi bật so với các tỉnh thành khác trong cả nước với mức công suất phòng trung bình đạt gần 80%, giá phòng trung bình ngày (ADR) cũng tăng trưởng ở mức gần 4%. Thị trường TP.HCM sẽ đạt mức công suất phòng thấp hơn so với năm trước, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng giá phòng trung bình ngày (ADR) khá tốt. Trong khi đó, thị trường Đà Nẵng ghi nhận sự sụt giảm về cả giá phòng và công suất phòng do sự gia tăng số lượng khách sạn mới đi vào hoạt động trong năm nay.

Việc các doanh nghiệp ồ ạt đi tỉnh phát triển bất động sản nghỉ dưỡng có hẳn là do các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM khan hiếm quỹ đất hay không? Mặt tích cực và tiêu cực của hiện tượng này?

Chi phí đất đắt đỏ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến động lực đầu tư và phát triển các dự án khách sạn, vì các dự án này thường có thời gian hoàn vốn lâu hơn so với các dự án khu dân cư.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự báo rằng hai thành phố này sẽ có nhiều dự án khách sạn hơn do nguồn cầu tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, các thị trường du lịch mới cũng không ngừng phát triển, khi mà chính quyền địa phương đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư phát triển dự án như ưu đãi về chi phí thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp với mục tiêu mang đến những sản phẩm chất lượng và tạo ra sức hút cho các điểm đến này.

Ông đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020 như thế nào?

Chúng tôi có niềm tin vào tiềm năng phát triển của ngành du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Ngành du lịch nghỉ dưỡng có thể cung cấp nguồn doanh thu lớn và cơ hội nghề nghiệp cho người dân địa phương. Việt Nam cũng sẽ tận dụng và khai thác tiềm năng này như cách mà các quốc gia trong khu vực đã thực hiện (Thái Lan). Đồng thời chú trọng vào hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm sân bay quốc tế nhằm đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng cho các du khách.

Chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều sản phẩm chất lượng, có phân khúc định vị và mô hình sản phẩm rõ ràng, chú trọng vào yếu tố văn hóa, môi trường, trải nghiệm cho du khách thay vì các sản phẩm với quy mô phòng và mật độ xây dựng quá lớn, vốn không thật sự hấp dẫn với các đối tượng du khách mong muốn trải nghiệm văn hóa và du lịch địa phương.

Vậy theo ông, những khu vực nào bất động sản nghỉ dưỡng nào có thể phát triển trong giai đoạn tới?

Với kinh nghiệm tư vấn tại thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết các điểm đến du lịch ở Việt Nam, cả điểm đến truyền thống lâu đời và điểm đến mới đều có tiềm năng để phát triển trong thời gian tới. Điều quan trọng là chủ đầu tư cần hoạch định đúng đắn sản phẩm cho từng thị trường, cân nhắc kỹ các xu hướng phát triển cũng như ngân sách và chiến lược đầu tư để đảm bảo yếu tố thành công và phát triển bền vững.

Theo ông, thị trường bất động sản năm 2020 sẽ đứng trước những khó khăn và rủi ro gì? Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư cá nhân cần làm gì?

Về mặt khó khăn của thị trường trong năm tới, có thể kể đến các yếu tố về nguồn cung gia tăng tại một số điểm đến dẫn đến việc cạnh tranh về giá. Tuy nhiên một số khu vực như Hà Nội dự kiến vẫn sẽ đạt được ưu thế về khai thác vận hành, đặc biệt là trong giai đoạn tổ chức giải đua xe F1. Các yếu tố khác có thể tác động đến thị trường đó là niềm tin của nhà đầu tư, tình hình kinh tế thế giới sẽ phần nào tác động và ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có niềm tin vào tiềm năng của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam. Nhà đầu tư cá nhân nên cẩn trọng trong các quyết định đầu tư và giao dịch mua bán. Việc tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, dự án, cơ cấu vận hành và sản phẩm là rất quan trọng để tránh các rủi ro trong tương lai.

Hầu hết các điểm đến du lịch ở Việt Nam, cả điểm đến truyền thống lâu đời và điểm đến mới đều có tiềm năng để phát triển trong thời gian tới. Điều quan trọng là chủ đầu tư cần hoạch định đúng đắn sản phẩm cho từng thị trường, cân nhắc kỹ các xu hướng phát triển cũng như ngân sách và chiến lược đầu tư để đảm bảo yếu tố thành công và phát triển bền vững.

Cảm ơn ông!

  • Tương lai bất động sản nghỉ dưỡng sau cú sốc Cocobay

    Tương lai bất động sản nghỉ dưỡng sau cú sốc Cocobay

    CafeLand - Từng là kênh đầu tư “hot” được nhiều người ồ ạt lao vào, thế nhưng condotel - một loại hình mới của bất động sản nghỉ dưỡng - lại đang trở thành nỗi lo của nhiều nhà đầu tư khi Cocobay “vỡ trận” không thể trả được lãi suất theo cam kết của người mua. Tương lai thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ra sao sau cú sốc này?

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.