19/11/2013 3:24 PM
Cách đây vài năm, cái thời mà bất động sản (BĐS) hoàng kim cũng là thời điểm các trung tâm thương mại (TTTM) chen nhau “mọc” lên.

Nào là The Garden, Grand Plaza... và gần đây nhất là sự quay trở lại của TTTM Tràng Tiền Plaza sau hơn 2 năm dài sửa chữa. Hầu như, mỗi tòa nhà đều có một TTTM. Ngày ấy, khách hàng “nườm nượp” ra vào TTTM và TTTM đã trở thành nơi mua bán sầm uất. Nhưng “cảnh sắc” ấy bây giờ đã khác hẳn...?

Đầu tư 400 tỷ đồng… cho khách tham quan

Trong buổi chiều chớm đông, tôi “vi vu” chở cô bạn gái mới quen lượn khắp phố phường. Đột nhiên đi qua khu vực Hồ Gươm, cô bạn bỗng rủ: “Mình vào Tràng Tiền Plaza chơi đi anh ? Em nghe nói trong đó nhiều đồ đẹp lắm!”. Nhìn về phía TTTM “hoành tráng” đó, tôi hơi “chột dạ” nhưng vẫn “rảo bước” đi vào.

Không chỉ “hào nhoáng” bên ngoài, trong TTTM được thiết kế cầu kỳ, sang trọng và khá lộng lẫy. Từ kiểu trang trí, cách sắp xếp các gian hàng đến quầy kệ, đồng phục nhân viên... nhìn chung đều hoàn hảo và thể hiện rõ sự đẳng cấp của một trong những TTTM hàng đầu Việt Nam. Một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Louis Vuitton, Kenzo, Chiristian, Dior, Cartier, Rolex, cũng quy tụ về đây, góp phần tạo nên sự hào nhoáng và cũng để “đánh bóng” thêm tên tuổi của TTTM này.

Nhưng khác hẳn với những điều đó, càng đi tôi càng cảm thấy “lạnh lẽo”, không khí nơi đây vắng vẻ đến lạ thường. Tại những gian hàng nom sang trọng ấy, tôi thấy nhân viên còn đông hơn cả khách hàng. Dừng chân tại gian hàng Dior vài phút mà thấy nhân viên mấy quầy gần đó cứ nhìn theo mãi với ánh mắt “níu kéo”, kiểu lâu lâu mới có người “ngó nghiêng” xem sản phẩm. Tại sao một TTTM hoành tráng và tọa lạc tại vị trí đẹp như vậy lại vắng vẻ đến thế?

Theo một nhân viên tại đây, TTTM chỉ đông vào các ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết, nhưng khách đến chủ yếu vẫn là đi dạo và tham quan, chứ mua hàng ít lắm.

Thực tế, giá bán sản phẩm hàng hóa ở đây khá cao, rẻ cũng phải đến gần chục tạ thóc. Không phải ai cũng đủ kinh tế để có thể mua hàng. Điều này có lẽ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hoang lạnh” hiện nay của TTTM Tràng Tiền. Trong khi đó, một số TTTM khác có vẻ “nhộn nhịp” hơn nhưng đó cũng chỉ là sự “giả tạo” mà thôi. Khách hàng bị “hút” đến đây bởi những lời quảng cáo giảm giá, khuyến mại “sốc”. Nhưng kỳ thực, giá vẫn không thực sự hấp dẫn với đại bộ phận NTD.

TTTM Tràng Tiền chưa hút khách như mong đợi. Ảnh: N.Tuấn

Giảm giá “khủng”, “phá” thương hiệu?

Nói đến giá “mắc”, tôi lại nghĩ ngay đến TTTM Parkson. Đó cũng là một trong những TTTM đẳng cấp tại nước ta. Về bề dày thì có lẽ TTTM Parkson vượt trội hơn hẳn so với TTTM Tràng Tiền, bởi họ có cả hệ thống các TTTM ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đến với Parkson, người tiêu dùng (NTD) nghĩ ngay đến những sản phẩm nổi tiếng, đắt tiền. Tại Parkson Thái Hà, dưới tầng 1, hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm “án ngữ” với đủ chủng loại sản phẩm. Kiểu cách trang trí tuy không cầu kỳ nhưng cũng khá thuận lợi cho khách hàng trong việc chọn mua sản phẩm.

Khác với hồi mới khai trương, TTTM Parkson này giờ đây đang vắng bóng khách hàng. Người đến không còn “sầm uất” như trước nữa. Chúng ta có thể cảm nhận được điều đó ngay khi mới bước chân vào TTTM này. Và có lẽ, để “gắng gượng”, những gian hàng tại đây liên tục sale off (giảm giá), nhằm “hút” khách, thậm chí có những gian hàng còn giảm giá đến 50%. Thế mà, tình hình cũng không mấy khả quan !

Đáng nói, việc những sản phẩm cao cấp được sale off “khủng” lại là điều khó tin và làm cho khách hàng có cảm giác nghi ngờ về thương hiệu đó. Theo chị Thanh Huyền, ở phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, thì sản phẩm hàng hiệu mà giảm giá nhiều đến vậy quả là “hiếm” bởi ngay từ khi sản xuất, người ta đã định vị thương hiệu và xác định rõ đối tượng khách hàng cho sản phẩm rồi. Nếu giảm đến mức khó tin thì thương hiệu đó sẽ ra sao? “Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm “độc” nhưng từ khi Parkson liên tục giảm giá thì tôi không còn quay lại đây nữa”, chị Huyền tâm sự.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát nhận định, những thương hiệu nổi tiếng rất ít khi giảm giá, nhất là giảm đến 50%. Nếu có thì chủ yếu là các sản phẩm quá lỗi mốt, hết thời vụ. Trong trường hợp này, ở nước ngoài, nếu đúng là thương hiệu nổi tiếng, có uy tín thì họ thà “hủy” sản phẩm còn hơn là cố bán để giảm giá trị thương hiệu của mình.

Còn ở nước ta, nhiều khi một số DN cứ giả vờ “thổi phồng” thương hiệu lên rồi đến khi không bán được lại “cuống cuồng” giảm giá. Hay nói một cách khác, các sản phẩm này có thể là hàng nhái, hàng giả, được nhập lậu theo đường tiểu ngạch với giá rất rẻ. Dấu hỏi được đặt ra ở đây là giá trị thực của sản phẩm hàng hóa đó là bao nhiêu? Quan trọng hơn nữa là ai quản lý và chịu trách nhiệm về nguồn gốc và chất lượng những sản phẩm này?

Nguyễn Tuấn (Pháp luật & xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.