Nhiều cổ phiếu hãng thép đang được giao dịch ở mức cao nhất từ năm 2011, phần lớn nhờ vào một trong những yếu tố đe dọa lớn nhất trong những năm gần đây: Trung Quốc.
Theo Bloomberg, nhu cầu ở Trung Quốc, nước sản xuất một nửa lượng thép toàn cầu, tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong năm nay và nước này đang phải đóng cửa một số nhà máy để hạ dư cung lan rộng toàn cầu. Điều này khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh, giúp giá thép tiếp tục phục hồi và đẩy chỉ số theo dõi các cổ phiếu hãng sản xuất thép toàn cầu của Bloomberg tăng 45% trong năm qua. Con số trên gấp ba lần chỉ số Bloomberg World Mining.
Trung Quốc đã và đang bị nhiều chính trị gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là yếu tố khiến giá cả lao dốc, buộc nhiều nhà máy ở Mỹ và châu Âu đóng cửa trong những năm gần đây. Việc này thúc đẩy nhiều nước từ Mỹ đến châu Âu thực hiện hơn 100 hạn chế thương mại lên hàng nhập khẩu từ Đại lục để bảo vệ ngành công nghiệp nước nhà khỏi thép giá rẻ.
Song cùng lúc, chi phí cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tăng, đẩy mạnh nhu cầu địa phương và chính phủ nước này thì hạ hàng triệu tấn công suất thép dư thừa. Xuất khẩu Trung Quốc vì thế hạ 28% trong nửa đầu năm nay.
Chỉ số Bloomberg theo dõi cổ phiếu của 41 nhà sản xuất thép toàn cầu vừa đạt mức cao nhất, tính từ tháng 8.2011, hồi tuần trước. Nguồn cung hạ từ Trung Quốc giúp giá cả ở châu Âu và Mỹ tăng khoảng 75% trong 18 tháng qua. Đợt phục hồi cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ và nhà sản xuất hàng đầu ArcelorMittal dự báo tiêu thụ ở Mỹ sẽ tăng đến 4% trong năm nay. Hiệp hội ngành công nghiệp châu Âu Eurofer nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu trong khu vực lên 1,9% trong tháng này.
Cũng có thông tin cho rằng việc Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra thép nhập khẩu có thể khiến nhiều nước khác hạn chế nhập hàng từ Trung Quốc. Dù chỉ một lượng nhỏ hàng nhập khẩu đến Mỹ đi trực tiếp từ Trung Quốc, Mỹ cuối cùng vẫn có thể mua thép Trung Quốc đã đi vòng qua nhiều nơi khác, chẳng hạn như Đông Nam Á.
Thu Thảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.