Có thể nói, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội lâu nay như một khối ung nhọt nhức nhối, bịt chỗ này hở chỗ kia và chưa có giải pháp để hữu hiệu để xử lý triệt để.
Trong tình thế loay hoay đó, từ những ngôi nhà tạm đến kiên cố vẫn cứ lầm lũi mọc lên ở những nơi không được phép, bất chấp các quy định của pháp luật. Thậm chí ở nhiều quận huyện, những ngôi nhà với “tiền sử” sai phạm này còn được đánh số nhà, thành lập tổ dân phố như một khu dân cư thực thụ.
Phải làm... “luật” (?!)
Những ngày đầu tháng 5.2017, trong vai người lao động tỉnh lẻ có nhu cầu tìm mua một “mảnh đất cắm dùi” với giá rẻ từ 500 - 700 triệu đồng, chúng tôi được rỉ tai lên phường Quảng An (quận Tây Hồ) để tìm mua đất nông nghiệp. Khi được hỏi, chúng tôi được giải thích: Đất nông nghiệp vốn là đất trồng trọt của người dân từ xưa, không được phép xây dựng. Song, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều mảnh giờ lọt thỏm giữa khu dân cư, do đó, thay vì để nguyên mục đích, chủ sở hữu tìm đủ mọi cách để xây nhà lên đó hoặc để ở, hoặc để bán cho người có nhu cầu.
Có mặt tại một khu vực thuộc phường Quảng An, trong khi chúng tôi đang ngó nghiêng xem mảnh đất đang được trồng rau trước mặt, một người đàn ông ngoài 40 tuổi, tự giới thiệu tên Phong bỗng xuất hiện rồi sáp lại gợi ý: “Anh đang có một mảnh 90m2, chú thích anh dẫn chú đi xem gần đây thôi. Mảnh này anh mua của một người dân địa phương từ năm 2010 với giá 1 tỉ đồng giờ nếu chú lấy anh chịu lỗ bán lại cho chú với giá 700 triệu đồng”.
Theo lời người đàn ông, hiện nay cả khu vục này đều không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng vẫn có thể xây dựng được nhà cấp 4 có gác xép để ở, miễn sao chịu bỏ ra ít tiền… làm “luật”. Cụ thể, tiền làm “luật” được tính theo số mét vuông xây dựng, nghĩa là cứ 1 mét vuông xây dựng chủ nhà phải bỏ ra 2,5 đến 3 triệu đồng tiền lót tay.
Thấy chúng tôi có vẻ lo lắng, ông Phong khẳng định chắc nịch là sẽ xây được nhà miễn sao chịu… chi. Còn việc xây thế nào, xây làm sao thì người bán đất sẽ có trách nhiệm kết nối với những công ty xây dựng có mối quan hệ tốt với chính quyền. “Đầu tiên mình cứ xây khoảng 30m2 đến 40m2 thôi để tiền làm “luật” ít, sau khi xây xong mình cứ cơi nới dần ra là được, nếu chú lấy của anh thì anh lo hết mọi thủ tục cho, không có quan hệ thì còn lâu mới xây được…” - người này rỉ tai thì thào.
Như để tăng thêm phần thuyết phục, Phong dẫn chúng tôi xem 3 ngôi nhà đang xây dựng dang dở rồi cho biết: “Mua đất không sổ đỏ thì dễ, nhưng muốn xây dựng thì mình phải thế nào mới làm được. Như mấy cái nhà kia kìa, chủ nhà mua đất, vừa xây được cái móng, dựng cột đã bị chính quyền đến lập biên bản, đập bỏ ngay. Nghe nói sau này phải nhờ “cò” dẫn dắt “đi đêm” với những người có thẩm quyền thì mới xây được như thế đấy…”.
Cả khu phố “mọc” trên đất nông nghiệp
Theo chân Phong, chúng tôi tiếp tục được mục sở thị khu vực sau chợ hoa mới thấy tình trạng xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp ở đây trầm trọng đến mức nào. Một người dân cho biết, việc xây dựng này (nhà trái phép trên đất nông nghiệp - PV) ở đây đã diễn ra nhiều năm nay, thậm chí có nhiều ngôi nhà được xây dựng cả hơn chục năm. Khi được hỏi chính quyền địa phương có biết không?, thì chúng tôi nhận được câu trả lời rất vô tư: “ Trước khi xây nhà, ai cũng phải làm “luật”, đi đêm rồi, nếu không họ để yên cho mình làm chắc” (?!).
Cũng trong hành trình tìm hiểu về thực trạng nhức nhối này, PV tiếp tục tìm đến một khu dân cư trên phố Đại Từ, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Tại đây, theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi thì sự vi phạm tại đây có thể được nói là siêu “khủng” bởi có tới hàng trăm căn nhà được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp. Thậm chí, những ngôi nhà còn được đánh số và phía dưới nhiều nhà còn ghi rõ cả tổ dân phố.
Cũng như những gì diễn ra ở Quảng An, chúng tôi hỏi một người đàn ông đang rửa xe rằng đang có nhu cầu mua đất nông nghiệp xây nhà, người đàn ông này vội vã ngừng tay rồi giới thiệu: “Ngay cạnh nhà anh có một mảnh chia đôi, anh mới lấy một nửa và đang trong quá trình xây dựng. Nửa còn lại họ cũng đang muốn bán, nhưng hiện nay chủ mảnh đất không có ở đây, chú cứ vào xem nếu được thì anh gọi họ đến cho chú nói chuyện”. Vừa giới thiệu người đàn ông chạc gần 50 tuổi này vừa dẫn chúng tôi đi xem đất. Đúng như lời giới thiệu, một mảnh đất khoảng hơn 100m2 chia đôi, một nửa đang được xây dựng đổ cọc và được quay kín bằng tấm bạt lớn, bên trong vật liệu xây dựng ngổn ngang. Nửa còn lại đang được giao bán với giá 12 triệu đồng/m2...”
Tiếp tục đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi lần lượt được giới thiệu gặp thêm nhiều nhân vật khác và phát hiện ra nhiều sự thật bất ngờ…
Nhóm PV (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.