Đối thoại lần thứ 3, chủ đầu tư và người mua nhà thu nhập thấp tại Nghệ An vẫn chưa thể thống nhất được giá bán căn hộ. Ảnh: H.H |
Do chưa được UBND tỉnh Nghệ An duyệt giá bán, lại nôn nóng thu hồi vốn, nên TECCO đã đưa ra mức giá tạm tính là 8 triệu đồng/m2, đồng thời thông báo ai nộp đủ 50% số tiền sẽ được bàn giao căn hộ. Đến nay, toàn bộ Dự án đã được phủ kín, đa số mới nộp 50 – 70% tiền mua căn hộ theo giá tạm tính.
Trong cuộc đối thoại giữa chủ đầu tư với các hộ dân lần thứ 3 vừa qua, dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Tài chính, các hộ dân phản ánh rằng, giá bán nhà ở xã hội tại Nghệ An mặc dù đã được điều chỉnh giảm so với giá đưa ra ban đầu, nhưng mức giá bình quân hơn 7,4 triệu đồng/m2 hiện nay vẫn còn quá cao, trong khi chất lượng công trình xây dựng kém, người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội không được mua trả góp, không được vay vốn ưu đãi...
Ông Bùi Văn Quyền, Giám đốc Công ty TECCO Chi nhánh Nghệ An than thở: “Mặc dù là dự án nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư không được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi như UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra. Bởi vậy, giá bán nhà ở xã hội không thể rẻ được như kỳ vọng của những người thu nhập thấp”.
Theo cơ chế thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra từ năm 2010 (thời điểm TECCO được cấp giấy phép đầu tư hai dự án nhà ở xã hội tại phường Lê Lợi và phường Hưng Lộc, TP. Vinh), chủ đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, miễn, giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn; được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước)...
Tuy nhiên, một số khoản ưu đãi theo cơ chế nói trên đã không được thực hiện, trong đó, đáng kể nhất là thuế VAT. Nếu như không phải gánh chịu 10% khoản thuế VAT, thì giá nhà ở xã hội tại Dự án ở phường Lê Lợi chỉ còn bình quân hơn 6 triệu đồng/m2. Ngoài ra, cả chủ đầu tư và người thu nhập thấp hiện vẫn chưa được hưởng bất kỳ khoản tín dụng ưu đãi nào, mà ngược lại, đa số các hộ dân mua nhà ở xã hội ở Nghệ An đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 14 – 15%/năm.
Từ thực tế trên, ông Bùi Văn Quyền đề nghị các hộ dân kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ tìm nguồn vốn vay ưu đãi để thanh toán sớm cho chủ đầu tư.
Không đồng ý với mức giá bình quân hơn 7,4 triệu đồng/m2, đa số các hộ dân kiến nghị chủ đầu tư và đại diện Sở Tài chính Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định giảm giá bán, đồng thời có chính sách hỗ trợ các hộ thu nhập thấp.
Là kỹ sư xây dựng, ông Hoàng Văn Thiết (cư dân nhà ở xã hội tại phường Lê Lợi) đưa ra các phân tích và cho rằng, giá thành xây dựng dự án này không thể trên 5 triệu đồng/m2. Ông Thiết đề nghị chủ đầu tư công khai hồ sơ thi công cho người dân để qua đó người dân đối chiếu với thực tế và tính toán giá thành một cách chính xác. “Nếu như thực tế giá thành xây dựng dự án nhà ở xã hội cao như đơn giá chủ đầu tư và Sở Tài chính đã đưa ra, thì người dân sẵn sàng chấp nhận mua theo giá đó”, ông Thiết nói.
Mặc dù vậy, ông Bùi Văn Quyền trả lời rằng, việc công khai hồ sơ cho người dân phải xin ý kiến của HĐQT TECCO ở TP.HCM.
Nhiều hộ dân cho biết, thực tế khi xây dựng công trình, chủ đầu tư đã đưa vào các vật liệu rẻ tiền, không đúng như hồ sơ đã trình với Sở Tài chính duyệt giá, nhiều hạng mục xây dựng được thi công không đúng với thiết kế nhằm giảm bớt chi phí, do đó giá thành được tính toán theo hồ sơ cao hơn nhiều so với giá thực tế xây dựng. Bởi vậy, hầu hết các hộ dân có chung quan điểm rằng, chừng nào chủ đầu tư chưa minh bạch hồ sơ dự án, thì họ chưa thể thống nhất mức giá mà chủ đầu tư đưa ra và sẽ còn tiếp tục khiếu nại.
-
NHNN: Không tăng gói tín dụng hỗ trợ BĐS
Trong văn bản giải trình đối với các ý kiến tham vấn cho dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định mức lãi suất ưu tiên 6%/năm trong 3 năm là phù hợp và sẽ không tăng thêm hạn mức cho gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản, hiện nay là 30.000 tỷ đồng. <br/br>
-
Tranh chấp chung cư lại “vào mùa” ?
CafeLand - Tưởng chừng như việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua tại các dự án bất động sản đã tạm lắng thì thời gian gần đây thị trường bất động sản lại tiếp tục nóng với các vụ kiện tụng, tranh chấp tại các dự án. Liệu có phải đã đến mùa tranh chấp tại các chung cư khi mà các chủ đầu tư gặp khó khi thị trường mất thanh khoản?
-
Doanh nghiệp nói gì về gói tín dụng 30 nghìn tỷ?
CafeLand - Khi Ngân hàng nhà nước công bố sẽ dành tối đa 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản trong tháng 4 tới đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của gói tín dụng này đối với thị trường bất động sản. Để có cái nhìn đa chiều và khách quan về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những người đứng đầu các doanh nghiệp bất động sản.