Theo đó, NHNN khẳng định chỉ có người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 mới nằm trong diện được vay ưu tiên. Đối tượng mua nhà ở xã hội chưa nằm trong lần xem xét này.
Về đối tượng thu nhập thấp, theo quy định hiện nay, đây là người có mức thu nhập bình quân tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội để quy định cụ thể hơn về đối tượng thu nhập thấp được hỗ trợ.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, việc cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm do ngân hàng xem xét, quyết định. Ngoài ra, các quy định về giao dịch bảo đảm đã đầy đủ quy định về các tài sản và hình thức bảo đảm, vì vậy nếu chỉ quy định bảo đảm bằng chính căn nhà mua hoặc dự án đang xây dựng vào Thông tư là không đầy đủ và có thể hạn chế việc tiếp cận vốn của khách hàng.
Đối với một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm nội dung đã được quy định trong Nghị quyết 02 như đề nghị cho vay ưu đãi với những căn hộ dưới 80m2, thay vì tối đa 70 m2; thời hạn cho vay hỗ trợ là 20 năm, thay vì 10 năm; mua đất nền, mua nhà riêng lẻ trong khu dân cư cũng nằm trong đối tượng được vay hỗ trợ..., NHNN chuyển cho Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ theo chức năng.
Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại việc không quy định tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp vay nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo NHNN, việc quy định cụ thể tỷ lệ, ví dụ 65% cho doanh nghiệp và 35% cho cá nhân, hộ gia đình trong Thông tư là không khả thi, vì dư nợ cho vay khách hàng tại các ngân hàng thương mại thường xuyên biến động, chưa kể thời hạn cho vay doanh nghiệp chỉ tối đa 5 năm, cá nhân hộ gia đình tối thiểu 10 năm, do đó, không thể duy trì tỷ lệ này trong suốt thời gian thực hiện chương trình.
Thay vào đó, dự thảo Thông tư quy định các ngân hàng chỉ cho vay các doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội nằm trong danh mục các dự án của doanh nghiệp do Bộ Xây dựng thông báo cho NHNN (bao gồm cả số tiền xin vay). Với quy định này, Bộ Xây dựng có thể linh hoạt điều tiết số tiền dành cho doanh nghiệp vay theo mức độ cung cầu về nhà ở xã hội.
Đối với ý kiến cho rằng số tiền 30.000 tỷ đồng NHNN tái cấp vốn cho 5 ngân hàng thường mại Nhà nước là quá nhỏ, đề nghị tăng thêm, NHNN cho rằng việc sử dụng 30.000 tỷ đồng đã được Chính phủ và NHNN tính toán kỹ, trong đó có tính tới việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong ngắn và trung dài hạn.
Về lãi suất cho vay, một số ý kiến đề nghị NHNN quy định rõ lãi suất sau thời điểm 15-4-2016 - thời điểm hết thời gian hỗ trợ 3 năm lãi suất 6%/năm.
Song, NHNN cho rằng việc áp lãi suất 6%/năm và cố định trong 3 năm đã là sự cố gắng của Chính phủ và NHNN. Sau thời gian này, NHNN sẽ công bố mức lãi suất ưu đãi mới để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Về mức chênh lệch lãi suất 1,5% mà 5 ngân hàng thương mại Nhà nước được hưởng khi cho vay theo chương trình, có ý kiến đề nghị giảm mức hỗ trợ này xuống. NHNN nhận xét, mức chênh lệch 1,5%/năm mà các ngân hàng đưởng hưởng đã bao gồm chi phí nghiệp vụ như thẩm định, xét duyệt, theo dõi... khoản vay) và rủi ro của khoản vay.
Do vậy, cơ quan này cho rằng, mức chênh lệch 1,5% thấp hơn chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thông thường hiện nay đã thể hiện sự chia sẽ khó khăn đối với khách hàng khi thực hiện chủ trương của Chính phủ.
-
Tranh chấp chung cư lại “vào mùa” ?
CafeLand - Tưởng chừng như việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua tại các dự án bất động sản đã tạm lắng thì thời gian gần đây thị trường bất động sản lại tiếp tục nóng với các vụ kiện tụng, tranh chấp tại các dự án. Liệu có phải đã đến mùa tranh chấp tại các chung cư khi mà các chủ đầu tư gặp khó khi thị trường mất thanh khoản?
-
Doanh nghiệp nói gì về gói tín dụng 30 nghìn tỷ?
CafeLand - Khi Ngân hàng nhà nước công bố sẽ dành tối đa 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản trong tháng 4 tới đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của gói tín dụng này đối với thị trường bất động sản. Để có cái nhìn đa chiều và khách quan về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những người đứng đầu các doanh nghiệp bất động sản.