Tuy nhiên thực tế sự bùng nổ của nhiều chung cư cao hàng chục tầng trong các đô thị lớn khi hạ tầng giao thông không theo kịp đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, khiến cuộc sống người dân trở nên bức bối.
Ngột ngạt và búc xúc
Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua được một căn hộ chung cư nằm trên tầng 30 của tòa nhà CT34 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hương rất vui mừng khi trở thành những cư dân đầu tiên được ở trong chung cư cao nhất Hà Nội vào giai đoạn 2005-2006. Nhưng niềm vui của gia đình chị Hương kéo dài chẳng được bao lâu khi chỉ vài năm sau, các chung cư trên 30 tầng ở Hà Nội liên tiếp được xây dựng, hoàn thành với tốc độ đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên điều này cũng không quan trọng bằng chuyện cuộc sống của gia đình chị Hương ngày càng gặp nhiều phiền toái và bức xúc trước sự bùng nổ của các khu đô thị, chung cư cao tầng xung quanh chung cư mà gia đình chị đang sinh sống.
“Ngày trước khi mới về đây ở, không gian ở đây rất thoáng đãng trong lành, đường sá không ùn tắc nên tôi chỉ mất vài phút để tới được cơ quan trên đường Kim Mã cách nhà khoảng 4 cây số nhưng bây giờ sáng cũng như chiều, ngày nào cũng mất cả tiếng đi tới cơ quan và trở về nhà vì đường tắc khủng khiếp...” - chị Hương bức xúc.
Với nhiều người dân đang sinh sống tại khu Trung Hòa - Nhân Chính hay một số tòa nhà cao tầng dọc đường Lê Văn Lương, cuộc sống của họ bây giờ thực sự bị ảnh hưởng tồi tệ và đảo lộn so với thời gian vài năm trước đây vì sự gia tăng chóng mặt của các tòa nhà chung cư cao tầng trong khu vực.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Huy Linh - một cư dân ở khu chung cư Hapulico (số 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ cách khu Trung Hòa - Nhân Chính chưa đầy 700m, cho biết, năm 2013 khu nhà anh ở chỉ có 5 tòa nhà, trong đó có 1 tòa cao 24 tầng, 2 tòa cao 21 tầng và 2 tòa 17 tầng thì cho tới bây giờ đã có thêm 2 tòa cao 17 và một tòa cao 30 tầng đang được xây dựng khiến mật độ dân cư tăng đột biến.
Không chỉ có vậy, các khu đất xung quanh khu Hapulico cũng liên tục mọc lên các tòa nhà cao tầng như tòa Hie Tower cao 27 tầng chỉ cách một con đường rộng chưa đầy 15m. Xa hơn nữa khoảng 500m, tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy là tòa Diamond Flower Tower cao 38 tầng.
Qua tìm hiểu của phóng viên tại nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội như: Xa La, Mỗ Lao, Mường Thanh, Linh Đàm, Minh Khai, Văn Khê... người dân dù được sống trong căn hộ hiện đại nhưng vẫn rất khổ sở, nơm nớp nỗi âu lo, thấp thỏm vì hạ tầng cơ sở không đảm bảo. Ở hầu hết chung cư cao tầng này người dân phải sống chung với mùi hôi thối của rác thải do hệ thống cabin đổ rác luôn tắc và không kín hơi, cùng với đó là hệ thống phòng cháy chữa cháy thiếu đồng bộ.
Ông Đinh Văn Bản, Trưởng Ban đại diện lâm thời chung cư Hồ Gươm Plaza cao 32 tầng (ở Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết, dù cư dân đã ở gần kín cả tòa nhà hơn một năm nay nhưng các hạng mục tiện ích như: hồ bơi, sân chơi, vườn hoa như thông tin ban đầu vẫn chưa được hoàn thiện. Thậm chí, hệ thống phòng cháy chữa cháy còn chưa dang dở.
Còn tại khu chung cư được xem là cao cấp như khu nhà N05 ở phố Hoàng Đạo Thúy với các tòa nhà cao 25 và 29 tầng thì khu vực tầng 1 của tòa nhà đang được chủ đầu tư cho thuê kinh doanh khiến người dân không có chỗ sinh hoạt cộng đồng và không có chỗ gửi trẻ dù trước khi đưa vào sử dụng khu vực này được quy định dành cho việc mở nhà trẻ và nơi sinh hoạt cộng đồng.
Càng cao tầng, càng ùn tắc
Bên cạnh các dự án chung cư đã hoàn thành, cùng hàng loạt dự án sắp hoàn thiện bàn giao nhà cho người dân là không ít dự án cao hàng chục tầng bắt đầu xây dựng tại nhiều khu vực ở Hà Nội như dọc các tuyến đường: Lê Văn Lương - Tố Hữu, Minh Khai - Lạc Trung, Nguyễn Trãi, Khương Trung, Láng Hạ - Giảng Võ... đang khiến các con phố, tuyến đường này trở nên ngột ngạt bởi sự bủa vây của các cao ốc.
Thậm chí, tại những tuyến đường, con phố rất nhỏ hẹp ở sâu trong nội thành như: Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Lương Bằng, Lò Đúc cũng mọc lên các chung cư cao trên 30 tầng, với mật độ căn hộ dày đặc. Điểm sơ qua tại khu vực từ ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám đã có rất nhiều các chung cư cao tầng đang trong quá trình hoàn thiện như: Center Point (33 tầng), Times Tower (27 tầng), Golden West (27 tầng nổi, 3 tầng hầm), Handi Resco (25 tầng nổi và 2 tầng hầm), The Golden Palm 2 tòa tháp cao 27 tầng.
Xa hơn chút tại quận Hoàng Mai, tổ hợp dự án nhà thương mại của Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu xây dựng ở khu đô thị Linh Đàm với 12 tòa nhà, mỗi tòa cao 36-41 tầng, vượt trội so với các tòa nhà khác trên cùng khu vực.
Việc bùng nổ các tòa chung cư cao tầng ở dọc các tuyến đường nêu trên đã gây ra một sức ép cực lớn về giao thông đô thị. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực đường Giải Phóng, giao thông ở đây thường xuyên ùn tắc vào buổi sáng và chiều khi có hàng vạn người và xe từ các chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, Định Công, Đền Lừ... đổ ra đường. Rồi cả trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ- Giảng Võ - Kim Mã dài gần 10km với hàng chục tòa cao tầng hai bên đường đang trở thành “điểm đen” về ùn tắc giao thông.
Song song với tuyến đường Lê Văn Lương là khu vực đường Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy cũng chung cảnh tắc nghẽn thường xuyên khi mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện lưu thông từ các cụm chung cư cao tầng ở dọc hai bên đường.
Không vì lợi ích chung
Trong khi tình trạng quá tải về phương tiện giao thông và cư dân nội đô dẫn tới nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết thì Hà Nội vẫn tiếp tục cho xây dựng các siêu chung cư, siêu đô thị ngay khu vực trung tâm. Nhiều khu vực là đất của các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, như: Cao su Sao vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long, Xe đạp Thống Nhất, Bánh kẹo Tràng An, Cơ khí Công cụ số 1, Dệt Minh Khai, Rượu Hà Nội, Bến xe Lương Yên, Triển lãm Giảng Võ... sau khi di dời đáng lẽ phải phát triển thành các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội nhưng lại chủ yếu để phục vụ việc xây dựng các tòa nhà văn phòng, chung cư thương mại cao hàng chục tầng.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 40 cơ sở sản xuất sau di dời thì có tới hơn 24 vị trí được chuyển sang làm nhà ở, văn phòng và chiếm hầu hết diện tích sau di dời. Một phần còn lại được chuyển sang xây trường học nhưng có diện tích rất nhỏ. Trong khi đó, Theo Luật Thủ đô 2012, quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp... được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Trước thực trạng có quá nhiều nhà cao tầng tại nội đô Hà Nội trong khi hạ tầng giao thông không đảm bảo, TS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do Hà Nội thiếu quan tâm, không quyết liệt đối với lĩnh vực quản lý và quy hoạch đô thị dẫn tới áp lực lên hệ thống giao thông, gia tăng ùn tắc.
Còn theo nhận xét của TS Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam), những năm qua, Hà Nội chưa kiểm soát, hạn chế nhà cao tầng khu vực nội đô theo đúng chủ trương đã được phê duyệt. Không gian quy hoạch chung đã bị phá vỡ do mật độ dân cư quá lớn so với thiết kế ban đầu.
Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) thẳng thắn nhận định, quy hoạch hiện nay đang rất mất cân đối, không bảo đảm được sức tải của không gian. Trong vấn đề này, có biểu hiện là chúng ta chiều theo ý của nhà đầu tư nhiều hơn là bảo vệ cảnh quan đô thị của Hà Nội. Nhà đầu tư muốn có đất để xây nhà chung cư rồi bán và chỉ có kinh doanh chung cư, nhà ở mới có thu được nhiều lãi.
Trong hoạt động kinh doanh chung cư, nhà ở lại xuất hiện nhiều chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng hạ tầng, bảo đảm hệ thống cấp thoát nước, chất lượng nước, không khí, cây xanh... Tóm lại, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, chúng ta chiều theo lợi ích riêng của các nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích chung của thành phố.
Có điều rất lạ là tất cả các cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao, nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng dày đặc, gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Trong khi từng chúng ta, con em, gia đình đang cần các công viên, công trình công cộng và góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 29-12-2016 |