CafeLand – Nền kinh tế toàn cầu vẫn chỉ đang trong quá trình phục hồi từ khủng hoảng tài chính mà bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ. Vì vậy, một kịch bản tương tự sẽ xảy ra tại Trung Quốc là điều rất đáng lo ngại hiện nay.

Ảnh CNN.

Khi giá nhà tại Trung Quốc tăng lên đến mức cao kỷ lục và vượt ra ngoài tầm với của một người dân có mức thu nhập bình thường. đặc biệt là khi một bong bóng bất động sản khổng lồ đang hình thành tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và một số thành phố khác. Vì vậy nhiều người đã đặt ra hoài nghi về sự sụp đổ của thị trường nhà đất Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc khác xa với nền kinh tế Mỹ, và chính những điểm khác biệt này sẽ là nhân tố giúp xoa dịu nguy cơ bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Người Trung Quốc có thói quen tiết kiệm

Giá nhà tăng lên được xem như một hệ quả của “hiệu ứng giàu có”. Nếu giá nhà rớt xuống, người dân sẽ cảm thấy sự giàu có cũng giảm xuống, do đó họ ít tiêu dùng hơn, dẫn đến suy thoái kinh tế. Sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ năm 2007 làm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ cũng như toàn thế giới, nhưng thị trường Trung Quốc sẽ không chịu tác động lan tỏa sâu rộng như Mỹ vì nước này tiết kiệm nhiều hơn so với hầu hết các nước khác.

Chính vì vậy, sự tăng lên hay giảm xuống của giá nhà tại Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều tới sự giàu có của người dân Trung Quốc. Họ luôn có những khoản tiết kiệm, dự phòng. Do đó, tác động của giá nhà đến sự giàu có quốc gia tại Trung Quốc là khó xảy ra hơn.

Các ngân hàng Trung Quốc có thể quản lý các khoản nợ xấu

Khi giá nhà sụp đổ, hệ thống tài chính của Mỹ gần như cũng sụp đổ theo do các khoản vay thế chấp và cho vay phát triển bất động sản trở thành những khoản nợ khổng lồ.

Ở Trung Quốc, các khoản vay thế chấp và cho vay phát triển bất động sản chiếm khoảng 20% tất cả các khoản vay ngân hàng. Giả sử 20% đó trở thành nợ xấu, điều này cũng không tác động quá lớn đến toàn bộ nền tài chính nước này. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có những chương trình riêng với sự giúp đỡ của chính phủ để hạn chế những tác động tiêu cực trên.

Điều đặc biệt là gánh nặng nợ nần của chính phủ Trung Quốc thực tế thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Chính điều này một phần do khả năng quản lý tốt những khoản nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc.

Những nhà hoạch định chính sách không ngồi yên

Chính sách bất động sản của Trung Quốc đã có nhiều điều chỉnh trong thời gian qua. Trong vài tháng trở lại đây, ngân hàng trung ương nước này đã thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như thể hiện mối quan ngại của chính phủ đối với nguy cơ trên thị trường bất động sản.

Một kế hoạch xây dựng nhà ở thu nhập thấp đang là tham vọng của chính phủ Trung Quốc để có thể làm dịu bớt tác động của ngành bất động sản đối với những ngành khác như thép, xi măng và các thiết bị. Ngoài ra, chương trình này còn để cải thiện sự bất bình đẳng trong thu nhập. Việc xây dựng những ngôi nhà giá thấp sẽ một phần tác động đến sự giảm giá của những mặt hàng khác ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Bong bóng bất động sản tại Trung Quốc là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng của nền kinh tế Trung Quốc cũng như những bài học từ các quốc gia đi trước, sự điều chỉnh của giá nhà sẽ không có tác động đến nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu tương tự như với thị trường Mỹ hay châu Âu.

Thủy Tiên (CNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.