09/07/2022 9:46 AM
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng áp lực về biến động giá nguyên vật liệu, rủi ro lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ thép trong 6 tháng cuối năm.

Trong báo cáo chiến lược vừa mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset đã đưa ra dự báo về ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022 với viễn cảnh không mấy khả quan.

Mirae Asset cho rằng ngành thép sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về sản lượng tiêu thụ bởi nhiều yếu tố như áp lực về biến động giá nguyên vật liệu, rủi ro lạm phát, chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản và tồn kho thép tăng cao.

Mirae Asset đã đưa ra dự báo về ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022 không mấy khả quan

Cụ thể, đơn vị này hạ 15% dự báo lượng tiêu thụ thép trong 6 tháng cuối năm. Tương tự, sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 10% cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản lượng thép xuất khẩu đạt mức 7,6 triệu tấn, tăng 1% cùng kỳ, trong khi sản lượng thép tiêu thụ nội địa chỉ đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

Rủi ro lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm

Lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu mà ngành thép đang phải đối mặt trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Từ quý 3.2021, việc giá than tăng quá cao đã trực tiếp gây áp lực tăng giá lên toàn bộ ngành vật liệu xây dựng và nhiên liệu.

Mirae Asset cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự thụt lùi của sản lượng thép nội địa đến từ việc giá bán của các nguyên vật liệu xây dựng tăng cao khiến cho các công trình xây dựng hiện đang có xu hướng chờ đợi giá giảm.

Rủi ro lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm

Theo khảo sát của Mirae Asset, chi phí xây dựng nhà thô theo hình thức trao tay đã tăng từ mức 3-3,5 triệu đồng trong quý 3.2020 lên 6,5-7,5 triệu đồng trong tháng 6.2022 ở khu vực Đồng Nai và Bình Dương.

Bên cạnh đó, các loại vật liệu xây dựng khác cũng đều có sự tăng giá mạnh, trong đó giá xi măng và cát trong tháng 6 đã tăng thêm trung bình 20% và 35% so với cùng kỳ.

Việc đơn giá xây dựng tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu ngành thép trong ngắn hạn và tâm lý chờ giá giảm sẽ diễn ra trong 6 tháng cuối 2022. Do đó, Mirae Asset dự báo tăng trưởng ngành xây dựng trong quý 3.2022 có thể giảm 3-4%.

Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép trong nước khi 60-70% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Áp lực về biến động giá nguyên vật liệu

Trong thời gian tới, ngành thép và tôn mạ sẽ đối diện nhiều rủi ro, trong đó có biến động giá nguyên liệu.

Theo ước tính, chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất của ngành thép. Với mảng tôn mạ, giá mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim biến động mạnh theo giá của HRC.

Mặt khác, bất chấp việc giá quặng sắt, nguyên liệu chính trong sản xuất thép cuộn cán nóng HRC đã điều chỉnh giảm 35% từ đỉnh, về mức 125 USD/tấn ở tháng 6 vừa qua, nhưng do chi phí sản xuất gia tăng đã khiến các nhà máy thép đều suy giảm lợi nhuận.

Trong tháng 5.2022, sản lượng thép và tôn mạ toàn ngành đã có sự sụt giảm mạnh, ở mức 1,49 triệu tấn, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thép toàn ngành đạt 10,48 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao với hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Tuy nhiên, dự kiến giá các loại nguyên vật liệu này vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Ảnh hưởng bởi kiểm soát tín dụng bất động sản

Dự báo về ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm, Mirae Asset cho rằng ngành thép sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về sản lượng do ngành bất động sản khó hồi phục như kỳ vọng do các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản.

Trên thực tế, ngành thép vốn liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Theo đó, việc kiểm soát tín dụng của các ngân hàng sẽ dẫn đến sự đình trệ các dự án, công trình đang và chuẩn bị triển khai. Điều này đã gián tiếp làm suy giảm nhu cầu sử dụng các mặt hàng thép xây dựng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này.

Áp lực tồn kho thép tăng cao

Trong buổi tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành thép phát triển bền vững” mới đây, ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, cho biết tại thời điểm này, hàng tồn kho của Shengli Việt Nam khá cao do nhu cầu về thép xây dựng thấp. Do đó, để tháo gỡ, doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca xuống còn 2 ca, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất.

Tính đến hết tháng 5.2022, lượng thép tồn kho nội địa của toàn ngành đã đạt mức kỷ lục gần 1,5 triệu tấn, tương đương sản lượng thép của tháng 5. So với trung bình 3 năm 2019-2021 chỉ ở mức 56% sản lượng tháng.

Mirae Asset cho rằng, việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6 đã giảm về mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm 2,1 triệu đồng mỗi tấn so với lúc đỉnh trong tháng 3 vừa qua.

Như vậy, trong 6 tháng cuối năm vẫn còn khá nhiều lực cản đối với ngành thép. Do đó. Mirae Asset hạ dự báo sản lượng thép năm 2022 xuống mức thấp hơn 15% so với báo cáo trước đó.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.