Hiện ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là ngân hàng dẫn đầu với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm lên tới 7,6%/năm được ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất niêm yết này chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm tổng cộng 14.390 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh OMO (Nghiệp vụ thị trường mở - là các biện pháp thực thi chính sách tiền tệ mà theo đó ngân hàng Trung ương của một nước kiểm soát cung tiền của nước đó bằng cách mua bán các chứng khoán do chính phủ phát hành hoặc các công cụ tài chính khác).

Trong khi đó, lượng bơm 8.837 tỷ từ tuần trước nghỉ lễ cũng đáo hạn trong tuần từ 5/2-11/2/2022. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 5.553 tỷ đồng, nâng lượng OMO đang lưu hành lên 15.125 tỷ đồng.

Theo BVSC, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn tiếp tục có chung diễn biến tăng mạnh. Sự mở cửa và hồi phục của nền kinh tế, và đặc biệt là nhu cầu thanh toán tăng lên khi dịp lễ Tết Nguyên Đán là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) đã đồng loạt vượt lên trên mốc 2-3%/năm

Từ ngày 27/1 đến 9/2/2022, LSLNH các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần có diễn biến tăng mạnh, ở mức lần lượt là 0,9% và 1,19%, lên mức 3,32% và 3,39%/năm. LSLNH kỳ hạn 2 tuần giảm nhẹ 0,08%, xuống còn 2,51%/năm. Trong đó, LSLNH kỳ hạn qua đêm đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.

Tính tới cuối tháng 1/2022, lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi tiết kiệm) kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ.

Tính đến tháng 2/2022, hàng loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, tăng 0,1-0,8%/năm. Hiện lãi suất cao nhất đã lên 7,6%/năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa qua đã áp dụng biểu lãi suất mới từ 10/1/2021, cộng thêm từ 0,1-0,3%/năm so với trước điều chỉnh. Đây là ngân hàng dẫn đầu với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm lên tới 7,6%/năm được ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất niêm yết này chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng đang được SCB trả từ 7%/năm đến cao nhất 7,35%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,9%. Đây cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận trên thị trường hiện nay.

Giữ vị trí cao nhất tại kỳ hạn 6 tháng thuộc về ngân hàng SeABank với mức lãi suất tương ứng là 6,15%/năm, điều kiện số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên; từ 5- dưới10 tỷ là 6%/năm; từ 1- dưới 5 tỷ là 5,95%; từ 500 triệu – dưới 1 tỷ là 5,9%; từ 100 triệu – dưới 500 triệu là 5,85%.

Lãi suất huy động vừa được Techcombank công bố áp dụng cũng ghi nhận mức tăng khoảng 0,4 - 0,5%/năm ở một số kỳ hạn.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, BacABank, OceanBank và ngân hàng Việt Á cùng giữ mức lãi suất 6%/năm như SeABank. Đáng chú ý là các ngân hàng này không phân biệt số tiền gửi khi áp dụng mức lãi suất này.

Trong khi đó, nhóm 4 “ông lớn ngân hàng” gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 6 tháng vẫn được duy trì ở mức thấp nhất hiện nay là 4%/năm.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.