Trên website của chủ đầu tư, dự án chỉ có vài thông tin sơ sài về tổng giá trị (lên tới 1.100 tỷ đồng?!), thời điểm hoàn thành là năm 2013 (hiện, dự án vẫn chưa "nhú" lên mặt đất – PV).
Trao đổi với Q, (tự nhận là trưởng phòng kế hoạch – đầu tư của HACC1), mới hay dự án đã được giao cho Coma18 phân phối đợt 1 thời gian gần đây. "Anh cứ làm việc với sàn Coma18, ký hợp đồng mua bán với chúng tôi (chỉ HACC1). Coma18 chỉ đứng ra quảng cáo, bán hàng hộ; còn khách hàng vẫn nộp tiền vào hợp đồng ký với chủ đầu tư". Vẫn theo Q, chủ đầu tư mới chỉ giao 42 căn cho Coma18 để bán đợt 1.
"Đá bóng phân phối"
Tiếp xúc với 2 môi giới (đeo thẻ của một hệ thống bán hàng các dự án tại Hà Nội) tự nhận là bán hộ suất của người quen làm việc tại sàn Coma18 – trực tiếp phân phối căn hộ dự án HACC1 Complex, nhiều tình tiết về dự án đã hé lộ.
"Hiện tại, khách vãng lai nhìn thấy dự án được quây tôn thì họ vào mua luôn. Đến hôm nay (ngày 11/8) ký hợp đồng được 20 căn rồi anh ạ. Đấy là chưa truyền thông gì. Trong tuần này, dự án sẽ được truyền thông tổng thể lên vnexpress, dantri …(?). Lúc đó, giá dự án sẽ đội lên 5-7%/mỗi căn hộ giai đoạn 2" – C, (chủ nhân số điện thoại 0906.258.xxx) mô tả về sức hút "lướt ván" suất căn hộ nơi đây.
Tham chiếu qua T. (nhân viên sàn Coma18) ngày 10/8, dự án đã đầy đủ thủ tục pháp lý: quy hoạch chi tiết 1/500, GPXD, Quyết định đầu tư, thuế đất, sổ đỏ lâu dài. Từ 1/8, dự án đã ký được hợp đồng mua bán với khách vì xong móng và có biên bản nghiệm thu.
Dồn dập những mẩu tin rao bán căn hộ dự án, dẫu chủ đầu tư vẫn chưa công bố bất cứ chi tiết nào?
Giải thích việc được chủ đầu tư giao phân phối, Coma18 thời gian trước thực hiện tư vấn thiết kế, xây dựng bảng giá, hồ sơ hợp đồng…nên được phân phối độc quyền cũng như nhiều suất ngoại giao. "15, 16 căn vừa ký hợp đồng xong, đã có trường hợp chủ nhân bán chênh ngay được 100-150 triệu đồng/căn".
Úp mở, nói một phần thông tin hoặc …nói quá một chút, theo giới truyền thông bán hàng, đó là nghệ thuật marketing để tạo hiệu ứng kinh doanh BĐS. Thông qua những chân rết bán hàng của chủ đầu tư HACC1, điều này đang đúng.
Khi yêu cầu được xem giấy tờ pháp lý ủy quyền bán hàng của chủ đầu tư cho sàn giao dịch (do một người trong HACC1 lập ra – nhân vật cung cấp), hai "lính đánh thuê" của sàn này cho biết: "Không được xem. Đến cấp quản lý trung cấp cũng không được xem giấy tờ đó. Anh tin tưởng thì làm việc với sàn thôi. Ngay cả chủ đầu tư cũng ràng buộc sàn không được cung cấp giấy tờ này cho khách hàng".
Đáng chú ý, xoay quanh việc dự án đã được cấp bảo lãnh tín dụng cho người mua nhà (theo Luật Kinh doanh BĐS 2014 sửa đổi) lẫn hoàn thiện móng, hầm, lên cos 0.0 hay chưa, thông tin cũng rất mập mờ, mâu thuẫn.
Nửa sự thật, không còn là sự thật
Theo C., dự án chỉ nay mai được quay video clip và truyền thông tổng thể trên các phương tiện báo đài nhằm công bố chính thức bán hàng dự án. "BIDV đứng ra cho khách hàng vay tiền mua căn hộ dự án. Còn SeaBank là đơn vị bảo lãnh dự án. Sàn của người quen em đang độc quyền bán hàng. Giá cũng ngang ngang với giá của sàn Coma18, tùy anh lựa chọn".
Trong khi đó, H. (nhân viên sàn Coma18) thừa nhận, dự án chưa có bảo lãnh tín dụng cho người mua, nhưng …chắc vài hôm nữa sẽ có. "Kiểu gì chủ đầu tư cũng phải làm bảo lãnh cho dự án. Dự án đã lên cos 0.0, móng hầm, có biên bản nghiệm thu, chủ đầu tư đang xúc tiến thủ tục hồ sơ tới ngân hàng để chờ làm bảo lãnh. Anh không phải quá lo lắng về điều đó" – nhân viên này động viên.
Theo Luật Kinh doanh BĐS 2014, trước khi đưa vào kinh doanh, BĐS hình thành trong tương lai, phải thỏa mãn các điều kiện: có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng tòa nhà; chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng Hà Nội về việc nhà ở đủ điều kiện được bán; chủ đầu tư phải được NHTM thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng…
Giả thiết dự án đã xong móng hầm, có biên bản nghiệm thu móng như môi giới "tô vẽ", nhưng thực tế cho thấy khâu thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án vẫn bị vướng do bản thân không ít nhà băng còn "lóng ngóng thủ tục" khiến khả năng dự án bị "tắc" ở khâu bảo lãnh có cơ sở.
Một kịch bản xấu xuất hiện: Với những khách hàng (mua để ở) mua lại các suất căn hộ dự án với chủ nhân cũ (đã ký hợp đồng với chủ đầu tư) với mức chênh nhất định, họ sẽ chờ đợi thời điểm chủ đầu tư công bố chính thức dự án để yên tâm hoàn toàn về khoản tài chính bỏ ra. Lúc đó, thế chủ động thuộc về chủ đầu tư lẫn cá nhân kinh doanh lướt sóng.
Với khoảng 40 căn bán trót lọt (qua các sàn) tương đương ngót 20% tổng sản phẩm dự án, đã giúp chủ đầu tư thu về nhiều tỷ đồng (dù chưa công bố, thậm chí chưa được cấp bảo lãnh).
Nếu thủ tục càng "lâu", thời điểm công bố càng xa, thời gian để chủ đầu tư bán "nhỏ giọt" thêm sản phẩm càng nhiều. Tới điểm bão hòa, lực lượng đầu tư rút êm, dự án dậm chân tại "nghiệm thu móng hầm – chờ hướng dẫn bảo lãnh", người mua cuối cùng sẽ lĩnh đủ.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...