Thị trường vàng miếng trầm lắng, USD "tự do" ngừng giao dịch, chứng khoán "lình xình" không bứt phá, gửi tiết kiệm ngân hàng không hấp dẫn trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng…Vậy, nguồn tiền đang chảy vào đâu, liệu bất động sản có là lựa chọn nên được ưu tiên?

Trong những ngày qua, thị trường vàng đã trầm lắng hơn sau khi có thông tin cấm kinh doanh vàng miếng. Ảnh: Đàm Duy

Không còn cảnh chen chúc nhau mua vàng tích trữ, thời gian gần đây, nhà đầu tư trong nước thờ ơ với vàng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người dân "quay lưng" lại với thứ hàng hóa đặc biệt vốn được coi là kênh bảo toàn vốn an toàn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mặc dù chưa có con số chính xác về số lượng vàng được "găm" trong dân, song các cơ quan chức năng cũng thừa nhận một lượng tiền lớn đã được chuyển sang vàng. Bởi vậy, trong số những nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tại Nghị quyết 11/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do… Thông tin này tác động mạnh tới thị trường vàng miếng, khiến thị trường rơi vào cảnh trầm lắng. Bất chấp việc giá vàng trên thị trường thế giới biến động không ngừng với biên độ dao động lớn, nhà đầu tư trong nước vẫn không thiết tha với vàng, vì theo hầu hết nhà đầu tư, cơ quan chức năng "tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do" cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư khó có thể "lướt sóng" cùng vàng. Ngay cả khi giá vàng trong nước gần như ngang với giá thế giới, mức chênh tới hàng triệu đồng như trước không còn tồn tại, thị trường vàng vẫn không thể sôi động. Chiều 15-3, vàng miếng chỉ được giao dịch ở mức 37,05 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,17 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi giá thế giới vẫn ngất ngưởng ở mức 1.415 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm giá vàng lùi xa khỏi ngưỡng 37 triệu đồng/lượng, rơi xuống 36,8 triệu đồng/lượng.

Còn với kênh đầu tư ngoại tệ, thị trường giao dịch "tự do" mà nhiều người vẫn quen gọi là "chợ đen" đóng cửa khiến một lượng lớn vốn không có điều kiện "chảy" vào kênh này mà trước đây nhiều kẻ đầu cơ đã thu được lợi lớn, bởi giá USD biến động không ngừng. Sự tăng, giảm thất thường của giá USD trên thị trường tự do chủ yếu chịu sự chi phối của những kẻ đầu cơ, tạo ra sự khan hiếm USD giả, từ đó đẩy giá USD lên cao để người dân lo lắng "ào ào" đi mua. Chính những bất cập của thị trường tự do gây sự xáo trộn tới thị trường chính thức. Bởi vậy, sự can thiệp quyết liệt của cơ quan chức năng đã thực sự hiệu quả khi cảnh mua bán tấp nập ở những đại lý thu đổi ngoại tệ không còn diễn ra. Trên phố Hà Trung, nơi tập trung nhiều điểm thu đổi ngoại tệ của Hà Nội rơi vào cảnh im ắng. Giá USD trên thị trường chính thức đã ổn định, các ngân hàng cũng không còn phải "lách" quy định để giao dịch USD "hai giá" như trước.


Không vàng, không USD, nhiều nhà đầu tư quay lại với sàn chứng khoán. Song, kinh doanh chứng khoán hiện nay không còn hấp dẫn. Sự "lình xình" của thị trường trong suốt một thời gian dài khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường có nhiều phiên tăng điểm mạnh, nhưng ngay sau đó lại "tụt dốc" trước áp lực bán ra chốt lời của giới đầu tư. Bởi vậy, VN-Index chỉ loanh quanh dưới ngưỡng 500 điểm, HNX-Index cũng không vượt xa mốc 90 điểm. Đóng cửa phiên 15-3, thị trường "lao dốc" phiên thứ 2 liên tiếp, khi VN-Index mất 11,16 điểm, dừng lại ở 468,74 điểm, HNX-Index giảm 0,88 điểm, còn 91,04 điểm. Do vậy, để có thể thu lời từ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư không những phải "ăn, ngủ" với chứng khoán, mà còn cần phải có thêm một chút may mắn.


Nhiều nhà đầu tư chọn cách chắc chắn nhất là gửi tiết kiệm, bởi lãi suất tiết kiệm VND cao nhất hiện nay là 14%/năm. Nhưng trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu tăng cao, giá cả của nhiều loại hàng hóa "leo thang" thì kênh này vẫn không mấy hấp dẫn. Bởi vậy, lựa chọn có vẻ tối ưu nhất hiện nay là bất động sản. Nhiều nhà đầu tư quan niệm vốn gửi vào đất là an toàn nhất, vì ngay cả khi lạm phát tăng cao, tiền VND mất giá, giá trị của đất luôn ở mức cao. Vấn đề được đặt ra là giá đất hiện nay ở mức "giời ơi", chẳng có khung nào cho giá đất. Giá nhà đất tăng từng ngày, ngay cả đất trong ngõ cũng lên tới gần 100 triệu đồng/m2, còn đất trong các khu đô thị lớn "leo thang" lên khoảng 150-200 triệu đồng/m2. Các chủ đất lý giải, vàng tăng mạnh, USD ở mức cao nên giá đất tăng là lẽ đương nhiên. Nhưng nhà đầu tư thì rơi vào thế "bí", bởi nếu giá đất quá cao, đầu tư khó có thể thu lời vì nhiều người có nhu cầu mua nhà thực sự sẽ khó có thể "với tới" giá đó. Nên mặc dù giá đất tăng cao, giao dịch trên thị trường vẫn rất ít. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng nên cảnh giác với những dự án "treo" để không bị mất tiền vào tay "cò đất".


Theo các chuyên gia, mỗi kênh đầu tư đều có những ưu điểm riêng, nhưng kênh nào cũng cần sự tính toán kỹ lưỡng, tránh chạy theo xu thế "đám đông". Bất cứ kênh đầu tư nào cũng không còn chỗ cho sự thiếu hiểu biết, vội vã…
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland