Đăng ký mua nhà ở xã hội, anh Doanh - một người mua nhà có nguyện vọng mua một căn hộ 40-50m2 đủ với khả năng trả nợ hàng tháng. Thế nhưng đến giờ, anh không thể chắc chắn được mình có mua được căn hộ phù hợp với nguyện vọng hay không vì theo quy định, người mua nhà ở xã hội không được chọn căn, chọn hướng như nhà ở thương mại mà phải bốc thăm, được căn nào phải lấy căn đó.
Trăn trở trên không chỉ của anh Doanh mà của không ít người đăng ký mua nhà ở xã hội, vốn luôn trăn trở về giá cả và số tiền phải nộp. Sự không chủ động trên đang khiến những người đã đăng ký, làm thủ tục và được các cơ quan chức năng phê duyệt danh sách phải bỏ cuộc sau khi bốc thăm vì không đủ tiền để mua.
Dù giá rẻ nhưng người mua nhà tỏ ra không mặn mà với nhà ở xã hội.
Đại diện một doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chia sẻ, trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, mua nhà ở xã hội không còn là một đặc ân cho khách hàng như trước đây khi doanh nghiệp BĐS vẫn còn phải lo đi tìm khách hàng thì chính sách cần phải có cái nhìn thị trường hơn đối với loại nhà ở xã hội.
Nếu cứ cứng nhắc buộc nhà ở xã hội phải bốc thăm căn hộ như quy định thì chính doanh nghiệp còn lo sợ hơn cả khách hàng. Bởi nếu họ bắt phải căn lớn, không đủ tiền mua rồi bỏ cuộc ở phút thứ 89 thì mọi kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn.
Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sông Đà chia sẻ: “Ưu điểm của nhà ở thương mại là chúng tôi có quyền để khách hàng lựa chọn căn hộ, chọn hướng nhà. Còn nhà ở xã hội không được phép như vậy do đó không khẳng định được đầu ra khiến bài toán quyết định đầu tư tiềm ẩn rủi ro”.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã điều chỉnh một loạt các chính sách cho nhà ở xã hội để tạo thuận lợi cho người mua nhà như cho phép thế chấp hợp đồng mua nhà ở xã hội để vay vốn, loại bỏ các thủ tục khi xác nhận… Trước vấn đề trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này đang tập hợp ý kiến của doanh nghiệp để đề xuất những quy định linh hoạt hơn tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà.