Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất 2 phương án về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi có thêm mục mới "Thời hạn sở hữu nhà chung cư". Tại mục này, cơ quan soạn thảo nêu rõ, thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ được áp dụng đối với đối với chung cư thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư, chung cư công vụ.

Cụ thể, trong phương án 1 là bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.

Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế.

“Thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư”, Bộ Xây dựng bổ sung tại dự thảo.

Riêng đối với các nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn Giấy phép xây dựng) trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sở hữu không có thời hạn theo quy định trước đó.

Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất 2 phương án về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ảnh minh họa - Nguyễn Văn

Với phương án 2, thời hạn sở hữu nhà chung cư giữ nguyên như quy định hiện hành, tức không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư hay không từng gây sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Có nhiều ý kiến phản đối đề xuất rút ngắn thời hạn sử dụng chung cư xuống còn 50-70 năm vì không phù hợp với tâm lý sở hữu tài sản lâu dài đa số người dân hiện nay.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay nhà chung cư không được sử dụng thì vẫn thuộc sở hữu của người ta. Giống trường hợp người dân có quyền sử dụng đất mà không sử dụng thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân đó, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Xây dựng giải thích đề xuất mới về thời hạn nhà chung cư là cần thiết để có cơ sở pháp lý khắc phục các khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đồng thời cũng nhằm tạo thuận lợi cho công tác chỉnh trang đô thị.

Phương án xử lý khi nhà chung cư hết thời hạn

Tại dự thảo này, Bộ Xây dựng nêu chi tiết 2 phương án đối với nhà chung cư chưa hết thời hạn sở hữu và hết thời hạn sở hữu.

Cụ thể, trường hợp nhà chung cư còn thời hạn sở hữu nhưng bị hư hỏng do sự cố, thiên tai, địch họa, cháy nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng, gọi chung là nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ khẩn cấp, thì UBND tỉnh có trách nhiệm thông báo và di dời các chủ sở hữu nhà chung cư để phá dỡ, xây dựng lại và bố trí tái định cư.

Trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng theo kết luận kiểm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chủ sở hữu đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu trong Giấy chứng nhận theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định.

  • Đề xuất sở hữu chung cư 50 năm gây bất ổn

    Đề xuất sở hữu chung cư 50 năm gây bất ổn

    Theo các chuyên gia, việc quy định thời hạn sở hữu căn hộ 50-70 năm sẽ tạo nên tâm lý bất ổn cho người sở hữu vì đa số người dân hiện nay đã quen với tâm lý sở hữu nhà lâu dài.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.