CafeLand - Bộ Xây dựng vừa phúc đáp Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc hạn chế cho người nước ngoài sở hữu nhà ởViệt Nam. Trong đó, Bộ Xây dựng cho rằng nhiều địa phương chưa sát sao với việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài.

Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam; và Nghị định số 99/2015, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 99 yêu cầu Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh phải dựa trên Văn bản số 786 ngày 19/4/2017 của Bộ Công an và Văn bản số 10328 ngày 19/10/2016 của Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các sở xây dựng cấp tỉnh xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện các sở xây dựng cấp tỉnh chưa thực hiện sát sao việc xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở, và cũng không công bố các thông tin đó lên mạng. Điều này dẫn đến hệ lụy là các tổ chức, cá nhân nước ngoài mong muốn mua nhà ở tại Việt Nam lo ngại, chưa bỏ tiền ra mua.

Một hạn chế khác cũng được Bộ Xây dựng chỉ ra là việc đăng ký quyền sở hữu nhà. Cụ thể là số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30%.

Ảnh minh hoạ.

Hiện Bộ Xây dựng và các sở xây dựng ở địa phương chưa áp dụng hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, so với quy định trước đó, Luật Nhà ở năm 2014 được coi là đã nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam khi khung pháp lý dành cho đối tượng này khá hoàn thiện. Đối tượng mua nhà ở được mở rộng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm việc, sinh sống tại Việt Nam, trong đó có kiều bào, được sở hữu nhà, qua đó góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, kích thích nền kinh tế phát triển, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Từ năm 2016, khi Luật nhà ở có hiệu lực đã bỏ đi rất nhiều rào cản. Nếu trước đây chỉ có sáu đối tượng được mua nhà thì bây giờ không có giới hạn nào cả, chỉ còn một quy định duy nhất là người mua không phải là đối tượng cấm nhập cảnh.

Loại nhà ở được sở hữu cũng mở rộng, từ căn hộ chung cư đến nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Thời gian sở hữu nhà ở tối đa 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, và có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, thay vì không được gia hạn như quy định cũ.

Tuy nhiên, sau năm năm triển khai, số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam vẫn còn rất ít do gặp phải một số vướng mắc nhất định về thủ tục, hồ sơ cũng như vướng trong việc xác định danh mục dự án được phép bán cho đối tượng này.

Bộ Xây dựng cho rằng, sở xây dựng cấp tỉnh cần làm việc chủ động hơn với các UBND để giải quyết sớm các vấn đề bằng cách công bố danh sách các dự án mà người nước ngoài không được quyền sở hữu nhà ở.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc công khai các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có việc đôn đốc trách nhiệm của sở xây dựng các địa phương thực hiện.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.