Sáng 19/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Liên quan đến vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng), cho rằng dự Luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quochoi

Bên cạnh đó, liên quan đến nội dung này, tại Điểm c, khoản 1, Điều 19 quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và Khoản 3, Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Ông Cường cho rằng, quy định như vậy là quá rộng và cần phải nghiên cứu, cân nhắc.

“Đặc biệt lưu ý đến việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Ngoài ra, việc quy định như dự thảo Luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không?”, ông Cường đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, quy định hiện nay và dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài đang trình Quốc hội thì thời gian thị thực được cấp cho khách nước ngoài vào Việt Nam tối đa là 90 ngày.

Trừ một số trường hợp khác như lao động, đầu tư, nhưng thời gian nhiều nhất cũng chỉ 5 năm đối với nhà đầu tư. Nếu được sở hữu nhà ở thì những người được cấp thị thực có thời hạn dưới 1 năm có quyền tiếp tục ở lại việt nam sau khi hết thời hạn thị thực hay không. Đây là vẫn đề cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tránh việc khởi kiện và tranh chấp quốc tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi

Ngoài ra, về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, đại biểu Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều. Do vậy đề cần phải cân nhắc một cách thận trọng.

“Nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Theo ông Hòa, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài. Thời gian qua, dư luận rất phản ứng đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai, nhất là các thành phố du lịch.

Theo Bộ Xây dựng, việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2008.

Từ 2014 đến nay, khoảng hơn 3.500 tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, phần lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Người nước ngoài mua nhà chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.

Căn hộ người nước ngoài mua sở hữu thời gian qua chủ yếu là chung cư tại các dự án nhà ở thương mại.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.