12/08/2013 1:28 PM
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, phương án khách hàng tham gia quản lý dòng tiền tại dự án Usilk City (Lê Văn Lương, Hà Nội) là mô hình tốt mà các địa phương, chủ đầu tư cần nhân rộng để cứu các dự án dở dang.

Bằng việc để khách hàng cùng tham gia quản lý dòng tiền dự án, Công ty CP Sông Đà Thăng Long - chủ đầu tư dự án Usilk City đã thuyết phục được hàng trăm khách hàng tiếp tục đóng tiền tiếp vào dự án. Việc này đã giúp cho dự án chung cư UsilkCity hồi sinh trở lại sau hơn 3 năm "đắp chiếu".

Bài toán mà chủ đầu tư dự án Usilk City áp dụng là một phương án quản lý tài chính mới rất đơn giản nhưng chưa từng được áp dụng trên thị trường. Theo phương án này, các khách hàng mua nhà sẽ mở tài khoản chung tại ngân hàng BIDV (tài khoản này sẽ bao gồm 1 đại diện của chủ đầu tư và 3 đại diện của khách hàng). Khách hàng sẽ phải nộp số tiền còn lại của mình theo hợp đồng (bất kể tỷ lệ tiền đã nộp là bao nhiêu%), tiền từ tài khoản của khách hàng sẽ được đổ về tài khoản chung. Tiền từ tài khoản chung sẽ chuyển về tài khoản của công ty Sông Đà Thăng Long tại ngân hàng BIDV, sau khi đại diện khách hàng đã kiểm tra thực tế công việc. Khi đó, tiền từ Sông Đà Thăng Long sẽ được giải ngân cho các nhà thầu.

Ngay sau khi thống nhất phương án, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch công ty CP Sông Đà Thăng Long cho biết, tính đến thời điểm này, các khách hàng đã cam kết nộp tiền với số lượng hơn 100 tỷ đồng. Trong tuần đầu tiên của tháng 8, công ty đã thu hơn 6 tỷ đồng, số tiền này đã được dùng để mua sắt thép phục vụ dự án.

Việc dự án Usilk city tái khởi động đã mở ra một lối thoát mới cho rất nhiều dự án đang trong tình trạng dở dang như Usilk City.

Phương án để khách hàng cùng tham gia quản lý dòng tiền của dự án Usilk City đã được phía cơ quan quản lý đánh giá cao. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc thu hút được dòng tiền từ khách hàng chảy vào dự án dưới hình thức quản lý tay ba, bao gồm khách hàng và ngân hàng, chủ đầu tư là hình thức rất tốt. Vì vậy, Bộ cũng yêu cầu các địa phương chủ động phổ biến chỉ đạo các chủ đầu tư và ngân hàng trên địa bàn nên mở rộng hình thức này.

“Chúng ta vẫn có nhận định người dân vẫn có nhu cầu và có khả năng thanh toán, nhưng vấn đề hiện nay do các chủ đầu tư sử dụng sai nguồn vốn, dùng tiền mua nhà khách hàng đi đầu tư nhiều dự án do vậy không đủ dòng tiền để hoàn thiện dự án, gây mất lòng tin từ phía khách hàng. Do đó, nếu chúng ta có biện pháp đảm bảo lòng tin của khách hàng, dòng tiền từ người dân vẫn có thể đổ vào dự án. Do đó dự án sẽ hoàn thiện, tăng giao dịch” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Để giải pháp này phát huy hiệu quả, với tư cách là cơ quan thường trực của Chính phủ về quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản kiến nghị với các địa phương tạo cơ chế giúp người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận cùng triển khai dự án.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ trao đổi với Ngân hàng nhà nước thống nhất chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng thuận với chủ trương chưa thu hồi nợ ngay với những khoản tiền người dân tiếp tục nộp vào dự án để xây dựng nhà.

Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.