- Thưa Bộ trưởng, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ có nội dung đề nghị bổ sung hộ gia đình, cá nhân khu vực đô thị có khó khăn về nhà ở ngoài trường hợp quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ được vay gói 30.000 tỷ đồng. Xin Bộ trưởng giải thích rõ hơn?
- Nghị quyết 02 quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân thuê, thuê mua nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì được vay gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản phẩm căn hộ chung cư thường phổ biến ở các đô thị lớn, còn đô thị vừa và nhỏ, nguồn cung và nhu cầu phổ biến vẫn là nhà ở riêng lẻ thấp tầng. Do đó, đa số người dân tại các đô thị vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. Mặt khác, sản phẩm căn hộ thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thường chỉ có ở dự án xa trung tâm, vị trí không thuận lợi, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, do đó khách hàng mua loại căn hộ này được vay vốn hỗ trợ còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, có khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định của Nghị quyết 02. Sau khi được Chính phủ chấp thuận bổ sung, Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể điều kiện, mức vay với trường hợp này.
Bên cạnh dự án nhà thu nhập thấp, các doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân cũng được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Hải Anh
- Các đề xuất nào nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng nữa, thưa ông?
- Thưa Bộ trưởng, đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, còn nhiều vướng mắc do thiếu nguồn cung, do thủ tục ngân hàng, địa phương chậm chuyển đổi dự án…?
- Về phía địa phương, tôi đề nghị tiếp tục rà soát các dự án bất động sản đang triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về quản lý phát triển đô thị, lần đầu tiên chúng ta đã đưa ra quan điểm là quản lý không chỉ theo quy hoạch mà còn phải có kế hoạch để tránh tình trạng quy hoạch treo. Từ rà soát như vậy, định ra khu vực phát triển và đề ra kế hoạch phát triển, từ đó yêu cầu dự án nào cần dừng, dự án nào tiếp tục triển khai để phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Riêng nhà ở xã hội, đề nghị các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội tiếp cận dễ dàng hơn với thủ tục đất đai để có thể triển khai nhanh dự án; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng lao động có đất làm nhà ở cho công nhân của họ; tạo điều kiện về thủ tục, hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, vay vốn cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội có nhiều ưu đãi, song lãi suất còn cao, vượt khả năng chi trả của hộ nghèo. Việc triển khai dự án nhà ở xã hội thủ tục chậm, việc bố trí quỹ đất chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về thị trường bất động sản hiện nay?
- Nhìn chung thị trường đã có dấu hiệu tích cực, giao dịch tăng từ giữa năm 2013 đến nay, giá cả ổn định sau thời gian giảm. Lượng hàng bất động sản tồn kho giảm hơn 11.000 tỷ đồng so với quý I-2014 và hơn 45.000 tỷ đồng so với quý I-2013. Cùng với đó, các chương trình nhà ở cho vùng dân cư vượt lũ, nhà ở cho hộ nghèo, nhà sinh viên, công nhân đều có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, điển hình là số dự án được cấp phép vượt quá xa nhu cầu thực. Hiện có hơn 4.000 dự án, với hơn 100.000ha đất được cấp phép. Với nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn của nền kinh tế thì phải cỡ 15-20 năm nữa mới xây dựng xong. Thực tế, giao dịch tăng ở những dự án có vị trí tốt, gần trung tâm, đã có sản phẩm, hạ tầng đầy đủ. Còn dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng vẫn không có giao dịch. Những dự án này không nên tiếp tục triển khai.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.