CafeLand - Phát biểu trong buổi hội thảo “Phát triển kinh tế tư nhân: rào cản và giải pháp” mới đây, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ nhiều rào cản mà hiện nay các doanh nghiệp BOT đang gặp phải.

Ông Thế cho biết, với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản thân các doanh nghiệp tư nhân làm BOT như Đèo Cả thấy chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán. Trong khi quy định về đối tác công tư đã nêu rõ, doanh nghiệp tư nhân là một trong 2 bên của hợp đồng BOT.

Theo ông Thế, các văn bản pháp lý hiện nay còn nhiều bất cập, xung đột lẫn nhau. Ví dụ như Luật Doanh nghiệp cho phép chuyển nhượng cổ phần, cho phép quyền góp vốn, nhưng Luật Đầu tư lại đặt ra nhiều quy định phức tạp đối với việc chuyển nhượng dự án.

Doanh nghiệp BOT kêu trời vì Bộ Tài chính sửa văn bản

Ông Thế nhận định, nhiều văn bản hành chính nhà nước thiếu tính thực tiễn. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là chính sách lãi vay với dự án BOT. Chỉ trong vòng 1 năm, Bộ Tài chính đã sửa tới 4 lần một thông tư cùng về một vấn đề. Để rồi, dự thảo lần sửa cuối cùng lại quay về quy định đúng như một thông tư trước đó đã huỷ bỏ. “Chúng tôi nhận thấy các thông tư này thể hiện sự thụt lùi của công tác chính sách”, ông Thế nói.

Đặc biệt, ông Thế cho biết hiện nay có tình trạng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỏ ra thờ ơ trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc. “Điều này có thể khiến phía doanh nghiệp bị gây áp lực khi cam kết hợp đồng không được đối tác bên A đáp ứng theo quy định. Ngoài ra, có nhiều phương án không thể áp dụng và có thể phá vỡ quy mô tài chính của doanh nghiệp”, ông Thế nhấn mạnh.

Không chỉ gặp khó khăn từ phía cơ quan quản lý, theo ông Thế, một trong những rào cản lớn hiện nay với doanh nghiệp BOT là nhận thức một bộ phận người dân về BOT còn hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp ở những địa bàn dự án đi qua.

“Tới mỗi nơi dự án đi qua, người dân lại đòi doanh nghiệp cung cấp hợp đồng BOT, phương án tài chính. Làm sao chúng tôi có thể làm được việc này khi mỗi ngày có hàng chục nghìn người đi qua 1 tuyến đường?”, ông Thế đặt vấn đề.

Một trong những rào cản tiếp theo mà các dự án BOT hiện đang gặp phải là hệ thống tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô. Trong khi chính sách lại quy định doanh nghiệp/một nhóm doanh nghiệp có liên quan không được vay quá lần lượt là 15%, 25% vốn điều lệ của một ngân hàng.

Theo ông Thế, điều này giới hạn khả năng huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Ví dụ với một ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp cũng chỉ có thể vay được 11.000 tỉ đồng. “Như vậy sẽ rất khó khăn cho nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản, BOT”, ông Thế nói.

Rào cản cuối cùng ông Thế chia sẻ là việc có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra dự án, “Lúc đầu thanh tra chuyên ngành bộ kế hoạch, sau thì thanh tra bộ xây dựng, Chính phủ, kiểm toán nhà nước… Khi doanh nghiệp vừa phải dốc sức để triển khai dự án lại vừa phải tiếp đoàn thanh kiểm tra gây phiền phức cho doanh nghiệp”, ông Thế cho biết.

Không những thế, các cơ quan kiểm toán đang làm quá vấn đề. Ví dụ, kiểm toán về tổng mức đầu tư, với kết luận kiến nghị “giảm tổng mức đầu tư để giảm trăm năm thu phí”. Trong khi tổng mức đầu tư chỉ là đường bao, còn thời gian thu phí dựa vào kết quả thực tế đầu tư và cần được các cơ quan chức năng phê duyệt chính thức, ông Thế chia sẻ.

  • GS. Nguyễn Mại: Cách mạng 4.0 là làm khác trước, khác mọi người

    GS. Nguyễn Mại: Cách mạng 4.0 là làm khác trước, khác mọi người

    CafeLand - Phát biểu tại tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân, rào cản và giải pháp, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh vai trò của việc thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 để tạo bước tiến của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.