05/10/2018 5:41 PM
CafeLand - Phát biểu tại tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân, rào cản và giải pháp, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh vai trò của việc thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 để tạo bước tiến của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 19/7/2018, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2018. Việt Nam xếp 45/126 nước, tăng 2 bậc so với năm 2017 và 14 bậc so với năm 2016.

Trong đó, chỉ số cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13. Đặc biệt, với chỉ số Tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên Youtube của năm 2017.

Chuyên gia cao cấp của WIPO Sacha Wunsch – Wincent cho biết, trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì 2 lý do: Việt Nam liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu; Việt Nam liên tục được đánh giá là hoạt động nổi bật trong đổi mới phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt để cùng các bộ thúc đẩy chính sách đổi mới sáng tạo.

Theo GS. Nguyễn Mại, một tín hiệu mới trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điển hình là Vingroup, Viettel, FPT, Công ty cổ phần MISA, Công ty CMC, Công ty cổ phần VNG.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE

“Tín hiệu tích cực về việc chuyển đổi kinh doanh của nhiều tập đoàn để phù hợp với kỷ nguyên nền kinh tế số đang đối mặt với sự thiếu trầm trọng nguồn nhân sự cho cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các công nghệ mới (như AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data) đòi hỏi đẩy nhanh cuộc cải cách nền giáo dục quốc gia để thích ứng với giai đoạn phát triển mới”, GS. Nguyễn Mại nói.

Ông Mại khẳng định, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhip” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chi phá sản.

Làm khác trước, khác mọi người

Định hướng phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới, GS. Nguyễn Mại cho rằng đối với tập đoàn kinh tế, mặc dù số lượng không nhiều nhưng đã chứng minh được tiềm năng và sự thích ứng với thời đại kỹ thuật số.

Việt Nam cần có hệ sinh thái riêng, được bảo đảm bằng hành lang pháp lý thuận lợi để mỗi năm có thêm nhiều tập đoàn mới thành lập. Những tập đoàn hiện có được định hướng vào ngành và lĩnh vực ưu tiên, được khuyến khích vươn ra thị trường thế giới để Việt Nam có chổ đứng vững chắc trên bản đồ các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và từng bước trên thế giới.

“Tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng. Cơ hội mới sẽ được tận dụng đối với những doanh nghiệp lấy đổi mới, sáng tạo, làm khác trước, khác với mọi người”, ông Mại nhấn mạnh.

Vị chủ tịch VAFIE đề xuất nên chọn ra khoảng 10-15 tập đoàn tư nhân có khả năng đi đầu, dẫn dắt để xây dựng thành những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Từ đó, tạo tiền đề để kinh tế tư nhân nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung phát triển theo hướng cách mạng 4.0, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

  • Khuyến khích doanh nghiệp trong nước “mua” lại doanh nghiệp FDI

    Khuyến khích doanh nghiệp trong nước “mua” lại doanh nghiệp FDI

    CafeLand - Phát biểu tại Hội thảo “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, Thủ tướng yêu cầu thu hút FDI trong thời gian tới cần sự chủ động của doanh nghiệp trong nước và nhìn thẳng vào những hạn chế của doanh nghiệp FDI trong thời gian qua.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.