09/05/2015 7:57 PM
Đó là thực trạng kéo dài nhiều năm, cho tới nay muốn khắc phục cũng rất khó khăn.

Nhiều nơi trên bờ sông Sài Gòn đã trở thành lãnh địa riêng, khắc phục tình trạng này không hề đơn giản - Ảnh: Thanh Tùng

Dùng thuyền máy chạy trên sông từ cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) đến cầu Tân Thuận (ranh giới Q.4 và Q.7) ghi nhận nhiều đoạn bờ sông Sài Gòn đang bị các dự án lấn chiếm, rào chắn làm không gian riêng khiến người dân không thể nghỉ ngơi, dạo chơi thoải mái bên bờ sông.

Không dễ tiếp cận bờ sông

Hiện bờ tây sông Sài Gòn, phía trung tâm hiện hữu của TP, khu vực bến Bạch Đằng là nơi người dân tiếp xúc được với dòng sông. Tuy nhiên, không mấy diện tích trong khu công viên hơn 11ha này được dành cho công chúng. Người dân chỉ được đi dạo trong một không gian hẹp đối diện với quảng trường Mê Linh và gần bến đò cũ qua Thủ Thiêm.

Phần bờ sông còn lại ở bến Bạch Đằng là nơi hoạt động của bến tàu cánh ngầm, cầu cảng, bến đón khách của các nhà hàng nổi. Ban ngày khi vắng khách hoặc những lúc nhà hàng không hoạt động, các cầu cảng thường đóng kín, có người bảo vệ.

Bà Huỳnh Trúc Lam, một người dân sống ở P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1), cho biết bà vẫn đưa con nhỏ ra bến Bạch Đằng hóng gió. “Chỉ ở khu vực bến đò cũ là tôi đến được gần dòng sông, nghe nước vỗ vào bờ róc rách. Nhưng khu vực này nhỏ quá mà người dân, khách hóng gió lại đông nên có lúc người này phải đứng sát người kia, không thoải mái lắm. Muốn hóng gió sông phải lên nhà hàng ăn uống” - bà Lam cho biết.

Hơn tháng nay, khu vực bến Bạch Đằng đang bị “đóng cửa” để chuẩn bị cho dự án cải tạo khu công viên bờ sông. Các tàu nhà hàng ở khu vực bến Bạch Đằng được chuyển đi nhưng những cầu cảng riêng cho các nhà hàng nổi thì vẫn đóng kín cổng.

Ông T., một chủ thuyền máy có thâm niên làm dịch vụ đưa khách đi dạo trên sông Sài Gòn, cho biết không dễ đưa tàu vô bến Bạch Đằng để rước khách, bởi những bến ở khu vực này đều đã có “chủ”. Cầu cảng chỉ phục vụ các tàu nhà hàng, không cho tàu thuyền khác cập bến để đón khách. Thuyền máy của ông T. chỉ qua khu vực bến Bạch Đằng đón các nhóm khách được “cò” trên bờ giới thiệu.

“Không biết khách thuê thuyền bao nhiêu một giờ, tôi chỉ nhận từ “cò” 150.000-200.000 đồng/giờ. Nếu khách thuê thuyền trực tiếp của tôi thì phải hẹn đón ở phía bờ Thủ Thiêm hoặc dưới dạ cầu Khánh Hội” - ông T. cho biết.

Hành lang bờ sông tại khu dự án nhà ở Sài Gòn Pearl (P.22, Q.Bình Thạnh) nổi bật so với khu vực bởi được đầu tư hoàn chỉnh, chu đáo, có cây xanh rợp bóng, hoa đẹp, đường quanh công viên sạch sẽ, rộng rãi. Bảo vệ cho biết không hạn chế người dân ở nơi khác đến đây hóng mát, tập thể dục.

Tuy vậy, ngoài cư dân sống tại ba tòa nhà và khu nhà biệt thự của dự án, không mấy người dân ở bên ngoài đến công viên bờ sông của Sài Gòn Pearl. Anh Hoàng Văn Số, một người dân sống sát bên dự án này, cho hay: “Đúng là công viên đẹp thật, nằm ngay sát bờ sông, gió thổi mát rượi. Nhưng từ ngoài đường vô tới công viên phải qua nhiều chốt bảo vệ, tôi có cảm giác như họ giám sát từng bước chân của mình, thấy không được tự nhiên nên tôi không đến công viên nữa”.

Kiến trúc sư Cổ Văn Hậu và kiến trúc sư Vũ Thị Hồng Hạnh trao đổi về cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn sáng 7-5 - Ảnh: Thanh Tùng

Bờ sông bị chiếm dụng và chia cắt

Phần lớn dải đất dọc bờ đông sông Sài Gòn bị chia cắt bởi các dự án nhà ở phân lô bán nền thuộc P.Bình An, Q.2. Từ sông nhìn lên, khu bờ đông là một dải dài với mép bờ sông lồi lõm không tự nhiên. Trên bờ là nhiều dự án biệt thự phân lô bán nền, có dự án tổ chức bến du thuyền, bến canô riêng. Dải đất sát bờ sông, các chủ đầu tư dự án đều đầu tư làm công viên, trồng cây xanh, vườn hoa...

Trong đó có nhiều dự án xây dựng nhà hàng, công trình ra sát bờ sông. Một đoạn khác của bờ sông được biến thành quán cà phê sân vườn. Cũng là công viên, cũng có đường ven sông nhưng người dân ở dự án nào thì chỉ loanh quanh trong khu vực mình sống. Muốn dạo chơi xa hơn, đi qua công viên của dự án khác thì phải vòng ra đường Trần Não rồi tìm đường vô lại bờ sông.

Nhìn từ phía sông Sài Gòn qua các dự án dọc đường Trần Não thì thấy bờ sông có chỗ lồi ra, chỗ lõm vào. Một cán bộ quy hoạch của TP khẳng định các dự án có dấu hiệu lấn chiếm bờ sông chứ không có chuyện bờ sông lồi ra lõm vào như vậy. Còn Q.2 cho biết quy hoạch đường và công viên ven sông thuộc khu vực này ra đời sau khi các dự án đã hoàn thành.

Do các dự án được giao đất khi chưa có quy hoạch cho toàn khu vực nên toàn bộ hạ tầng, đường sá rất manh mún, chia cắt chứ không riêng gì khu công viên bờ sông. Hiện Q.2 đang tìm cách kết nối đường giao thông, công trình công cộng như cấp thoát nước, điện, chiếu sáng, công viên... của các dự án lại với nhau. Để làm được điều này cần phải có sự hợp tác rất lớn từ các chủ đầu tư và người dân sống trong các dự án.

Riêng hành lang an toàn của bờ sông Sài Gòn ở phía nam rạch Thị Nghè lại bị sân tập golf và nhà hàng Him Lam sử dụng. Theo quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch thuộc địa bàn TP.HCM ban hành năm 2004, hành lang bờ sông Sài Gòn là 50m. Vậy mà hàng rào sân golf và nhà hàng lại mọc ngay sát mép nước. Sân golf xây cách bờ sông 5,7-7,6m, còn khu nhà hàng dịch vụ xây cách bờ sông chỉ 3,22m.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, một nửa sân tập golf và toàn bộ nhà hàng dịch vụ nằm trên hành lang an toàn của sông Sài Gòn. UBND TP.HCM cũng kết luận đây là công trình xây dựng không phép. Tuy nhiên, công trình này vẫn được cơ quan chức năng cho phép tồn tại.

​Mỗi dự án là một lãnh địa riêng

Dự án của Công ty Phát triển nhà Thủ Đức giáp bờ sông Sài Gòn thuộc P.Bình An là một trong những dự án hiếm hoi có công viên và đường ven sông rất rộng, người dân bên ngoài có thể thoải mái đến đây hóng mát, dạo chơi. Tuy nhiên, công viên này chỉ dài hơn 100m rồi đụng bức tường chắn của dự án bên cạnh.

Bà Nguyễn Thị Phụng, sống trong khu dân cư cũ gần mặt tiền đường Trần Não, cho biết bà và hàng xóm ít khi ra công viên bờ sông thuộc các dự án. Theo bà Phụng, đơn giản vì mỗi dự án là một lãnh địa riêng, có tường cao, đôi khi có cổng sắt. Người dân không ở trong dự án mà ra bờ sông đi dạo thường bị hỏi han, dòm ngó, đề phòng nên bà đâm ra ngại.

Dương Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.