CafeLand - Những năm gần đây, farmstay, mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp bất động sản đang nở rộ và trở thành xu hướng mới. Song, với những người trong cuộc, farmstay không chỉ là câu chuyện nói là làm được.

Mùa dịch, trong khi các chủ farmstay hoặc người kinh doanh khác đang đau đầu cắt lỗ hoặc chuyển hướng kinh doanh để cầm cự, Sơn (22 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng nhóm 2 người bạn của mình bấm bụng vay ngân hàng để hiện thực hóa ước mơ "về rừng" kinh doanh. Với Sơn, "bây giờ hoặc không bao giờ".

"Tôi cũng phải vay mượn gia đình, bè bạn và ngân hàng để góp vốn với 2 người bạn, lùng thuê vài ngàn mét vuông đất ở ngoại ô Đà Lạt. Vừa vay xong thì dịch ập đến, không lẽ bỏ. Tôi đã ở Đà Lạt vài tháng nay để lo công việc và mọi thứ, hy vọng kịp để chạy farmstay vào cuối năm chứ lỗ cũng nặng quá".

Sơn cho biết, để chuẩn bị cho ngày hôm nay, bản thân anh và bạn bè cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ. Là sinh viên kinh tế, Sơn tập tành kinh doanh, mở chuỗi xôi, đồ ăn sáng cho học sinh sinh viên. Giãn cách, chuỗi đồ ăn cũng cầm chừng, Sơn lại chạy vạy vay mượn để thực hiện ước mơ "để đời" vì theo Sơn, bây giờ là xu hướng của farmstay.

"Tôi làm mô hình glamping (kiểu mô hình kết hợp giữa camping và glamorous – du lịch cắm trại sang chảnh - PV). Tổng giá trị đầu tư mọi thứ tầm 2 tỷ. Chúng tôi 3 người, mỗi người góp một ít. Chủ yếu cũng tiền tích lũy cá nhân và vay ngân hàng. Giờ mỗi sáng mở mắt ra là tôi phải chịu mất 400 ngàn tiền lãi. Nhưng chấp nhận thôi, làm vì thỏa chí và vì thị trường sau này. Tôi dự đoán trong 5 năm tới, kiểu du lịch glamping này sẽ phổ biến" – Sơn nhận định.

Theo tìm hiểu, mô hình mà Sơn đang xây dựng là sự kết hợp giữa farmstay (khoảng 30%) và du lịch cắm trại sinh thái kiểu sang trọng cho giới trẻ (khoảng 50%) và café (20%). Kiểu du lịch này đang manh nha hình thành và trở thành lựa chọn ưa thích của giới trẻ trong thời gian qua. Trong đó, điểm đến phổ biến là Đà Lạt, Bảo Lộc, Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Còn N.Ngân (25 tuổi, Bình Dương) bỏ phố về rừng chỉ vì thích. Tốt nghiệp Đại Học ở TP.HCM, Ngân trở về nhà, phụ cha và em trai chăm sóc khoảng nửa hecta vườn nhà, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Thừa nhận mình may mắn vì có lợi thế lớn từ gia đình, Ngân cho biết, đến hiện tại, vườn rau chỉ mới đủ ăn, còn chuyện farmstay là chuyện của tương lai gần, khi cô tích lũy đủ vốn.

"Tôi may mắn vì có cha và em thích nông nghiệp và gia đình sở hữu vườn tược sẵn. Tôi có hậu thuẫn to lớn từ gia đình nên làm việc vì vui là chính. Chuyện farmstay là hướng đi tôi tính đến cho kinh tế mảnh vườn và gia đình sau này, nhưng đó là bài toán với rất nhiều phép tính khó cần tập trung giải đáp" – Ngân chia sẻ.

Nghe dễ dàng là vậy, nhưng cả Sơn và Ngân đều nhìn nhận, dù là xu hướng của hiện tại và tương lai, nhưng farmstay không là địa hạt dành cho người chỉ có đam mê là đủ. Bỏ phố về rừng thì dễ, nhưng làm sao sống được với rừng là câu chuyện dài, buộc mọi người phải đánh đổi nhiều thứ mà không biết khi nào mới có thể gặt hái thành quả.

"Như tôi, nói bỏ phố về rừng là vậy nhưng không ai biết tôi đã phải lăn lộn như thế nào, đánh đổi tuổi trẻ và hàng ngàn thứ khác để gieo từng hạt mầm, xới từng cuốc đất, đặt từng viên gạch. Mà đó là tôi còn chưa chắc tương lai khi thành hình, mô hình của tôi có thể phát triển theo đúng hướng tôi mong muốn không chứ đừng nói là có lời. Nhưng tôi làm chỉ vì còn có sức và muốn thỏa chí" – Sơn chia sẻ.

Sơn cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của người làm farmstay hay kiểu mô hình du lịch sinh thái kết hợp như anh đang theo đuổi không phải là việc bỏ sức trồng rau nuôi cá. Theo Sơn, khó khăn lớn nhất là tìm được mảnh đất phù hợp. Tìm được đất là một chuyện và có thể làm gì trên mảnh đất đó không lại là chuyện khác.

"Tôi đã mất hàng tháng trời ở Đà Lạt để đi tìm đất. Tìm được rồi thì vướng giấy tờ, bởi ai cũng biết, chuyện giấy tờ, quy hoạch ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung thời điểm hiện tại là khó khăn như thế nào. May mắn là mảnh đất của tôi đủ điều kiện, thêm nữa lại thuê lại của người nhà vốn là đất thổ cư sẵn, nên tôi mới làm được." – Sơn cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, mô hình kinh doanh farmstay kỳ thực là kiểu kinh doanh bất động sản kết hợp du lịch, nông nghiệp đang thu hút nhiều người đầu tư suốt thời gian qua. Loại hình kết hợp này mang lại nhiều tối ưu, có thể tạo đầu ra hợp lý cho người kinh doanh. Nhưng, ở chiều ngược lại, những rủi ro mà loại hình này mang lại cũng cực kỳ cao bởi nhu cầu thị trường là chưa thực sự lớn, tính toán lượng khách đến và quay lại cũng là điều mà các chủ farmstay thực sự đau đầu, để giải quyết bài toán kinh tế.

Như anh Chính, một người sở hữu mô hình farmstay ở ngoại ô Đà Lạt chia sẻ: "Giờ đây, kinh doanh farmstay đang là xu hướng. Nhưng thời điểm 5 năm trước, khi tôi bắt đầu "bỏ phố về rừng", mọi thứ chưa được như bây giờ. Sau 5 năm hoàn thiện, mỗi năm farmstay của tôi đón hàng ngàn lượt khách. Song đó là bức tranh tổng thể. Trên thực tế, nhiều tháng liền farmstay của tôi chẳng có ai đến lưu trú, tôi phải tìm hướng kinh doanh khác bù vào. Thậm chí có thời gian tôi lỗ vài trăm triệu. Mùa dịch không có ai mức lỗ tăng lên. Trong khi bình thường, lãi nhỏ giọt. Tôi buộc phải có dự phòng. Mô hình này cần người đầu tư có tầm nhìn và khả năng đoán định thị trường cùng sự kiên nhẫn, trường vốn, vì phụ thuộc phần nhiều vào khách du lịch. Còn nông sản, đặc thù Đà Lạt chỉ trồng được một số loại. Hiện tại, họ không cho làm nhà kính nữa đâu mà bảo trồng nhiều nông sản".

  • Mô hình farmstay: Cần chế tài cụ thể

    Mô hình farmstay: Cần chế tài cụ thể

    Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã có Công văn đề nghị các địa phương trên cả nước kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).

Liên Thượng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.