“Đầu tư farmstay, nông trại gì đó cực lắm. Mình có mấy mẩu đất ở quê, mà sống ở thành phố thì cứ để đó đợi lên giá bán cho nhàn thân. Tội gì lộn về quê khổ cực. Nghỉ dưỡng hả? Homestay, resort đầy ra đó, tới đâu thì thuê đó ở thôi, còn đỡ mệt mà có người lo dịch vụ giúp, cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền.” – Tấn, 27 tuổi, quê Gia Lai cho biết.
Theo Tấn, anh là con trai một trong gia đình nên được cha mẹ cho thừa hưởng nhiều lô đất. Ước tính sơ bộ, Tấn nắm trong tay chừng 1ha đất trồng cây lâu năm. Có đất, nhưng Tấn không mặn mà với việc “bỏ phố về rừng”, nghỉ dưỡng, kinh doanh ngay tại quê hương. Bởi, anh đang có công việc ổn định ở thành phố và “đầu tư farmstay đòi hỏi nhiều thứ”.
Đầu tư farmstay không hoàn hảo như nhiều người vẫn nghĩ (ảnh:minahouse.com.vn)
“Có công việc ở thành phố, ngồi máy lạnh, khi không bỏ về quê cuốc đất dựng lều, làm nhà đủ thứ. Cực lắm chứ giỡn à? Rồi kinh doanh, còn phải tính toán rất nhiều, bỏ sức ra làm vài ba năm chưa chắc thu hồi vốn. Còn phục vụ người ta. Tôi thấy không đáng” – Tấn chia sẻ.
Tấn cho biết, anh xuất thân từ vùng rừng núi Gia Lai, rất hiểu khí hậu thổ nhưỡng nơi đây, nuôi con gì, trồng cây gì cho năng suất lợi nhuận ra sao, Tấn nắm trong lòng bàn tay. Chính vì vậy, anh quyết tâm bám trụ lại Sài Gòn và coi mảnh đất được thừa hưởng từ cha mẹ là một tài sản đề phòng bất trắc hoặc sinh lời sau này.
“Mảnh đất đó vài năm nữa lên giá sẽ khác, giờ tôi chẳng có thời gian lẫn tâm sức để đầu tư farmstay nghỉ dưỡng ở đó đâu. Tôi sinh ra lớn lên, gắn bó với quê hương mấy chục năm thì lạ gì. Nay là đỡ rồi đó, lúc tôi còn nhỏ có nhà còn chẳng có điện. Muốn mua sắm gì thì bất tiện lắm, làm farmstay ai ở? Còn nói tôi về nghỉ dưỡng à? Nhớ nhà nhớ quê thì về chơi vài ngày vài tuần, rồi đi, mình quen nếp sống thành phố đông đúc rồi, về ở không nổi đâu. Tôi nói thật.” – Tấn phân tích.
Tương tự như Tấn, Linh cũng là người trẻ không chạy theo xu hướng bỏ phố về rừng làm farmstay. Nói chính xác, Linh đã từng lao theo làn sóng này và chịu thất bại nặng nề.
“Phải mất vài năm tôi mới trả được hết món nợ tồn của những sai lầm tuổi trẻ. Tôi được cha mẹ cho một mảnh đất ở Đức Trọng. Cũng hăm hở lắm, đầu tư nhiều rồi có thu lại được gì đâu. Có khách đâu mà đòi lời. Chưa kể mất việc ở thành phố, giờ phải làm lại từ đầu. May là kinh tế gia đình tôi vững” – Linh ngậm ngùi.
Linh cho biết, bất chấp những lời mời gọi của bạn bè về hành trình ngược dòng bỏ phố về rừng làm farmstay, anh quyết chí ở lại thành phố làm lụng. Chính anh đã từng trải nghiệm những cơ cực của nó. Mảnh đất gia đình giờ đây thu hẹp lại diện tích, nhưng Linh sẽ giữ nó để làm vốn kinh doanh hoặc nơi chốn trở về sau này. Còn hiện tại, chàng trai 30 tuổi từ bỏ giấc mơ về sống giữa núi rừng, vì “không phải ai cũng chịu được đâu, dù là dân quê hay thành phố. Mình cứ sống tốt ở đây trước đã, còn mảnh đất, tôi dự định khi nào giá tăng tôi sẽ bán”.
-
Hùn vốn đầu tư farmstay, nên hay không?
Thời gian gần đây, xu hướng bỏ phố về rừng ngày càng lan rộng. Cùng với đó, mô hình kêu gọi góp vốn chung cùng kinh doanh farmstay cũng nở rộ.