Dự án tháp Habico (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dừng triển khai nhiều năm nhưng chưa bị xử lý. Ảnh: Duy Bách.
Không thiếu chế tài
Theo đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc nhiều cao ốc bỏ hoang không đưa vào sử dụng trong khi nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân bị hạn chế là bất cập lớn. Vấn đề này cũng làm méo mó thị trường bất động sản (BĐS), gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai. Đặc biệt, việc bỏ hoang lâu, không có chế tài buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện các dự án này, khiến các khu dân cư mất mỹ quan, ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, hiện hành lang pháp lý buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện chưa rõ ràng.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nói: “Trước hết, cơ quan chức năng nên rà soát xem chủ đầu tư cao ốc đã nộp tiền sử dụng đất chưa? Nếu chưa, có thể phạt vì chậm nộp thuế và truy thu thuế. Điều này hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý, nhưng không ai làm. Thứ hai, cao ốc bỏ hoang nhiều năm nằm giữa khu đất vàng gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, có thể phạt hành chính về vi phạm môi trường”.
Theo ông Liêm, trước đây, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đánh thuế biệt thự bỏ hoang, nhưng đến nay chưa áp dụng được, vì đa số biệt thự đó thuộc sở hữu của cá nhân. Còn cao ốc bỏ hoang trên đất vàng tại Hà Nội chủ yếu thuộc sở hữu của chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoàn toàn nắm rõ và có cơ sở áp dụng. “Một dự án lớn nằm trên địa bàn quận không lý do gì ông chủ tịch UBND quận lại không biết. Dự án vướng mắc ở đâu phải báo cáo với chính quyền địa phương để ấn định thời gian hoàn thành. Nếu chủ đầu tư chây ì không làm, chính quyền sở tại có thể xử lý như: Thu hồi, bàn giao lại dự án cho chủ đầu tư có khả năng triển khai...”, ông Liêm nói.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng: “Nếu chúng ta xử lý cao ốc bỏ hoang không rõ nguyên nhân, chỉ làm được bề nổi mà chưa tìm được cốt lõi sẽ tạo tiền lệ cho nhiều cao ốc bỏ hoang khác mọc lên ở Thủ đô”.
Ông Võ phân tích, cao ốc trên đất vàng bị bỏ hoang đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường BĐS. Thực tế, thị trường này đang trầm lắng, yếu ớt, tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư hạn chế. Trước đề xuất đánh thuế cao ốc bỏ hoang, ông Võ kiến nghị: “Cần dùng biện pháp đánh thuế theo kiểu chậm triển khai năm nào đánh thuế năm đó và việc đánh thuế cần tính toán một cách phù hợp”.
Sửa luật để tránh lãng phí
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, Luật Xây dựng qua thực tiễn còn nhiều bất cập. Thời kỳ BĐS nóng, không có chuyện bỏ hoang đất vàng, chủ đầu tư làm xong đến đâu bán hết đến đấy. Khi thị trường BĐS trầm lắng, xuất hiện khu đất vàng biệt thự, chung cư bỏ hoang. Nguyên nhân chủ yếu do đầu cơ, tận dụng BĐS bán có lời chứ không phải mua nhà để ở nên để lại hậu quả nghiêm trọng.
“Luật mới chỉ quy định, sau khi dự án được khởi công 12 tháng, nếu không triển khai sẽ bị thu hồi, nên cần phải điều chỉnh luật với tất cả tòa nhà xây dở dang. Chủ đầu tư có thể viện lý do là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nào cũng dùng tiền của người lao động. Cao ốc xây dở dang qua thời gian sẽ xuống cấp gây thiệt hại cho dân và chủ doanh nghiệp. Điều này gây lãng phí lớn cho xã hội. Nước ta còn nghèo, cần tập trung vào làm nhiều việc khác thay vì tiếp tay cho cao ốc bỏ hoang”, bà An nói.
Sau bài báo của Tiền Phong về vấn đề bỏ hoang cao ốc, UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Xây dựng Hà Nội rà soát, kiểm tra nguyên nhân để từ đó kiến nghị xử lý cụ thể với từng trường hợp.