Thời của điện khí LNG
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) gồm Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Bộ Công Thương làm việc với các tỉnh có dự án điện LNG trong Quy hoạch điện VIII
Trong Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện nền trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.
“Phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước.
TT | DỰ ÁN | CÔNG SUẤT (MW) | GIAI ĐOẠN | GHI CHÚ |
1 | LNG Quảng Ninh | 1500 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
2 | LNG Thái Bình | 1500 | 2021-2030 | |
3 | LNG Nghi Sơn | 1500 | 2021-2030 | |
4 | LNG Quảng Trạch II | 1500 | 2021-2030 | Đã được Lãnh đạo Chính phủ đồng ý chuyển đổi sang LNG tại Thông báo số 54/TB-VPCP ngày 25/2/2022 |
5 | LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn | 1500 | 2021-2030 | Xem xét trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập - Nghệ An, Nghi Sơn - Thanh Hóa |
6 | LNG Hải Lăng giai đoạn 1 | 1500 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
7 | LNG Cà Ná | 1500 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
8 | NMNĐ Sơn Mỹ II | 2250 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
9 | NMNĐ BOT Sơn Mỹ I | 2250 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
10 | LNG Long Sơn | 1500 | 2031-2035 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh, giãn tiến độ, Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của VPCP |
11 | NMĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 | 1624 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
12 | LNG Hiệp Phước giai đoạn I | 1200 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
13 | LNG Long An I | 1500 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
14 | LNG Long An II | 1500 | 2031-2035 | Đã có trong QHĐ VII điều chỉnh theo Văn bản số 1080/TTg-CN ngày 13/8/2020 |
15 | LNG Bạc Liêu | 3200 | 2021-2030 | Đã có trong QHĐVII điều chỉnh |
Các vị trí tiềm năng, dự phòng cho các dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai | Thái Bình, Nam Định, Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Vũng Áng, Chân Mây, Mũi Kê Gà, Hiệp Phước 2, Tân Phước, Bến Tre, Cà Mau… |
Danh mục các nhà máy nhiệt điện LNG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện
Tuy nhiên trên thực tế, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG khá dài. Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành thì nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm.
Sẽ thu hồi giấy phép đầu tư nếu vi phạm
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) và lãnh đạo các tỉnh có dự án điện khi đã báo cáo tiến độ triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại địa phương.
Để bảo đảm các dự án điện khí được triển khai, thực hiện đúng tiến độ theo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cụ thể, đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
“Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng nói chung và khả năng cung ứng điện nói riêng”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của nhà máy, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong quý 3/2023.
“Lập và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện sử dụng LNG. Phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2024”, lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tiến độ cụ thể và yêu cầu các nhà đầu tư được lựa chọn phải khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, yêu cầu trong chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030. Vì vậy nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện.
-
Hàn Quốc sẽ “bơm” vốn cho 2 dự án điện khí LNG 3,000 MW tại Long An
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cam kết hỗ trợ tài chínhcho dự án Nhà máy điện LNG Long An 3.000 MW củaVinacapital và GS Energy.
-
Khởi động dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng gần 54.000 tỷ đồng
Ngày 12/1/2021, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND về việc cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (đại diện 4 nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc) thuê đất đợt 1 để thực hiện dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn I (1.500 MW).
-
Tập đoàn điện lực hàng đầu Trung Quốc muốn xây kho năng lượng điện hoá tại Việt Nam
Tập đoàn Energy China hiện đã đầu tư và nhận thầu hơn 70 dự án điện tại Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng hơn 9 tỷ USD.
-
Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện năm 2024 cho nhà máy thủy điện, cao nhất 1.110 đồng/kWh
Khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện năm 2024 được xác định là từ 0 - 1.110 đồng/kWh, chưa bao gồm các khoản thuế và phí liên quan như thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gi...
-
Doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn đầu tư dự án điện rác nghìn tỷ tại Cần Thơ
Tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP Cần Thơ, Công ty TNHH CP tập đoàn China Gezhouba Group mong muốn hợp tác với TP Cần Thơ phát triển một dự án nhà máy đốt rác phát điện, vốn đầu tư khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng....