18/05/2013 7:36 AM
Buồn thay, người công nhân vẫn phải ở nhà thuê bên cạnh những dãy phố, biệt thự sang trọng vắng bóng người có vẻ như quá xa rời với nhu cầu thực tế của người công nhân.

Không phủ nhận thành phố mới Bình Dương được xây dựng đẹp, bài bản với đòn bẩy là 6 khu công nghiệp thu hút hàng chục ngàn lao động. Nhưng hiện thực hơi thở cuộc sống ở đây đang buồn tẻ, nhiều dãy nhà đóng cửa im lìm tựa khu đô thị Mỹ Phước 3.

Ngược với quy luật tự nhiên?

Một chuyên gia về bất động sản nói với chúng tôi rằng, một thành phố có hơi thở cuộc sống thì nó phải tiến từ vùng đệm, làm bàn đạp để lấn dần vào vùng lõi. Còn thành phố mới Bình Dương xây dựng vùng lõi mà thiếu vùng đệm, đi ngược lại với quy luật tự nhiên.

Nhiều người ao ước thành phố mới Bình Dương phải được nằm bên cạnh đoạn sông Sài Gòn chạy ngang qua địa phận tỉnh Bình Dương thì nó mới có sức sống, theo quan niệm phong thủy.

Dãy nhà phố sang trọng tại thành phố mới hoang vắng không một bóng người.

Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ đi kèm. Hiện tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước – Tân Vạn rộng 8 làn xe đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công trình. Thành phố đang có cả một Trường ĐH Quốc tế miền Đông, ba trường trung học, tiểu học, có Bệnh viện Quốc tế miền Đông và sắp tới Becamex sẽ liên kết để phát triển thêm công nghệ thông tin.

Phải nhìn nhận rằng, không thể chê vào đâu được với hàng dãy biệt thự sang trọng, đẹp lộng lẫy vừa mới xây xong bên cạnh nhiều dãy phố đang làm dang dở được ví như một viên kim cương. Nhưng có một điều không ai lý giải nổi: Từng dãy nhà đóng cửa im lìm còn đường phố lại vắng bóng người đi khiến chúng tôi có cảm giác lo ngại về tương lai của một thành phố đang hiện hữu.

Cũng bởi cái hiện thực thiếu vắng hơi thở cuộc sống như thế nên nhiều người giàu không muốn vào thành phố mới Bình Dương để ở còn người ít tiền thì lại sờ không tới.

Phía Becamex lý giải rằng người ta quy hoạch thành phố phải mất trong vòng 60 năm mới hình thành một đô thị. Như thế có nghĩa là đến đời con cháu chúng ta sẽ nhìn thấy chăng?

Trong khi Bình Dương có khoảng 1,7 triệu dân mà có đến hơn 800 ngàn công nhân đang làm việc tại các KCN. Nhưng buồn thay người công nhân vẫn phải ở nhà thuê bên cạnh những dãy phố, biệt thự sang trọng vắng bóng người có vẻ như quá xa rời với nhu cầu thực tế của người công nhân.

Nhà ở xã hội giành cho ai?

Cả nước đang lao vào một cuộc giải cứu bất động sản chưa từng có trong lịch sử qua việc rót 30.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để giải ngân cho các dự án mua bất động sản để ở. Cụm từ “nhà ở xã hội” đang nổi lên như một “cái phao” cho các dự án bất động sản.

Ở Bình Dương, Becamex đang có những động thái đầu tư cho “vùng đệm” của thành phố mới bằng dự án xây 5.000 căn nhà xã hội để bán cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Trong tháng tới, Becamex sẽ bàn giao 600 căn cho người có thu nhập thấp với giá 3 triệu đồng/m2, mỗi căn 100 triệu đồng.

Ông Bùi Quang Đức – Phó tổng giám đốc Becamex IDC (đơn vị chủ đầu tư thành phố mới Bình Dương) – cho biết, tỉnh Bình Dương đang có chương trình xin Chính phủ rót 6.000 tỷ đồng để phục vụ cho dự án 60.000 căn nhà ở xã hội chia làm 3 năm và Becamex sẽ “hy sinh” 200 hecta đất để phục vụ cho chương trình này.

Thế nhưng, có một nghịch lý là với thu nhập ít ỏi từ đồng lương của mình, liệu những người công nhân trong các khu công nghiệp có với tới được những căn nhà xã hội hay không khi mà các ngân hàng xét duyệt hồ sơ cho công nhân vay mua nhà không dễ trong khi lãi suất tại các ngân hàng hiện vẫn trên 10% một năm?

Chị N., một công nhân đang là việc tại KCN VSIP, cho biết với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, chị còn chưa đủ ăn và trang trải cuộc sống thuê nhà thì lấy gì để mua nhà xã hội?

Nghịch lý này cũng được ông Bùi Quang Đức thừa nhận hiện nay công nhân không phải ai cũng có đủ 30 triệu đồng tiền mặt là khoản tiền phải đóng trước để sở hữu nhà xã hội còn 70% còn lại thì được vay với lãi suất 6%/năm nhưng chỉ mới trên giấy. Hiện nay, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, công nhân khó vay nổi!

Không chỉ ở Bình Dương với hơn 200 dự án khu dân cư, đô thị mà hiện khắp các dự án bất động sản của cả nước đang tạo ra hàng triệu chỗ ở thừa thải dường như chỉ là bất động sản thương mại dành cho việc đầu cơ, kinh doanh còn bất động sản dùng để ở đang khác xa với thực tế. Ai sẽ được hưởng lợi qua cuộc giải cứu bất động sản dưới hình thức nhà ở xã hội?

Võ Đức Phúc – Lộc Hưng (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.