11/04/2025 9:05 PM
Tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thẩm tra nguồn gốc các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp, sử dụng cho các công trình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước khi thanh, quyết toán.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 76 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp còn hiệu lực, trong đó chủ yếu là mỏ cát xây dựng thông thường và đất san lấp.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định xác nhận 24 bản đăng ký khai thác mỏ vật liệu (17 mỏ đất, 7 mỏ cát) phục vụ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Định thường xuyên kiểm tra, giám sát; chú trọng khâu hậu kiểm đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, theo Báo Bình Định.

Đến nay, 60 điểm mỏ khoáng sản tại Bình Định đã được kết nối với hệ thống camera AI đo đếm lượt xe ra, vào mỏ; hơn 50 điểm mỏ lắp đặt trạm cân để quản lý tải trọng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động phối hợp với đơn vị chức năng liên quan cung cấp thông tin về sản lượng khai thác và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để đối chiếu báo cáo kê khai của doanh nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện lắp đặt camera, trạm cân để giám sát, lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Bình Định yêu cầu tăng cường thẩm tra việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng- Ảnh 1.

Bình Định tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, công tác cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là đối với các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước, thi công cao tốc Bắc - Nam được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời; quản lý khối lượng, tiến độ khai thác mỏ theo nhu cầu của từng công trình cụ thể.

Năm 2024, nguồn thu từ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 410 tỷ đồng, tăng hơn 170 tỷ đồng so với năm trước đó.

Để nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, cuối tháng 3/2025, UBND tỉnh Bình Định giao UBND cấp huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh xác định cụ thể các mỏ vật liệu phục vụ trực tiếp thi công xây dựng các dự án. Từ đó, làm căn cứ đưa vào hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, bổ sung vào quy hoạch khoáng sản và thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

Đồng thời, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, trong đó có hoạt động khai thác mỏ vật liệu xây dựng; tránh trường hợp bị động về mỏ vật liệu khi triển khai các công trình, dự án đầu tư công của địa phương.

Tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở Tài chính tăng cường thẩm tra nguồn gốc các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp, sử dụng cho các công trình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước khi thanh, quyết toán.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản đối với Khu kinh tế Nhơn Hội; kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã ký công điện đề nghị 44 tỉnh, thành phố và 7 ban quản lý dự án trực thuộc đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ, nâng công suất mỏ và tăng cường công tác quản lý, khai thác, vận chuyển khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông.

Đối với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng thông thường cấp cho các dự án, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục tăng cường quản lý công tác khai thác, vận chuyển, đảm bảo tuân thủ các nội dung được cấp phép và các quy định liên quan trong suốt quá trình khai thác và sau khi kết thúc hoạt động khai thác.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định; bảo đảm không gián đoạn các hoạt động khai thác.

Riêng 6 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Kiên Giang, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chỉ đạo các chủ đầu tư thầu tổ chức quản lý, khai thác, vận chuyển vật liệu tuân thủ các nội dung quy định liên quan.

Kịp thời nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí; thực hiện các nghĩa vụ môi trường và thủ tục đóng cửa mỏ đối với các mỏ đã khai thác hết trữ lượng, không còn nhu cầu khai thác; Khắc phục ngay các tồn tại trong quá trình khai thác các mỏ (quá chiều sâu, sạt lở...) theo yêu cầu của địa phương.

Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư cũng phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác điều phối, tận dụng vật liệu nền đào để đắp và tận dụng làm vật liệu xây dựng, các vật liệu dôi dư phải tập kết đúng nơi quy định, đảm bảo việc khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản đúng mục đích.

Chủ đầu tư phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong giám sát hoạt động khai thác, sớm hoàn thiện thủ tục cấp mỏ, tăng công suất mỏ đảm bảo nhu cầu vật liệu thi công các dự án.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.