Trong khi thị trường biệt thự, nhà phố tại TP.HCM ghi nhận tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 3 năm qua thì tại Hà Nội phân khúc này đang dần ổn định.

Thị trường biệt thự nhà phố giữa Hà Nội và TP.HCM đang ghi nhận diễn biến trái chiều.

Colliers Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 1.2023, trong đó có đề cập đến những điểm đáng chú ý của phân khúc biệt thự, nhà phố giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, tại TP.HCM, thị trường biệt thự, nhà phố chứng kiến tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 3 năm qua, mặc dù cả giá bán sơ cấp và thứ cấp không tăng đáng kể và duy trì ở mức 4.800 USD/m2 (tương đương 112,5 triệu đồng/m2).

Theo Colliers, các vấn đề liên quan đến tín dụng, trái phiếu và các vấn đề của một số chủ đầu tư lớn vẫn gây ảnh hưởng đến toàn thị trường TP. HCM, dẫn đến mức thanh khoản giảm, sự dè chừng từ phía người mua và chủ đầu tư khiến thị trường gần như đóng băng.

Đến cuối tháng 3.2023, thanh khoản toàn thị trường giảm xuống còn 15%. Cũng trong quý 1, nhà phố, biệt thự không có nguồn cung mới, chủ đầu tư tiếp tục triển khai giỏ hàng hiện tại.

Thị trường gần như không có dấu hiệu rục rịch của các dự án tương lai. Một số dự án nổi bật như Senturia An Phú dù đã được giới thiệu từ cuối năm 2021, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin mở bán chính thức.

Ngược lại, tại Hà Nội, giao dịch biệt thự, nhà phố sôi động hơn nhờ pháp lý dự án được cải thiện. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiếp tục ghi nhận mức giá bán trung bình cho loại hình này ở mức 3.000-4.500 USD/m2, không có nhiều sự thay đổi so với quý trước và tỷ lệ hấp thụ ở thị trường nhà liền thổ Hà Nội quý 1.2023 dao động ở mức 65%.

Colliers Việt Nam cho rằng, vấn đề về tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài khiến các chi phí đầu tư tăng lên cùng với hạn chế trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính, hỗ trợ người mua dẫn đến lượng giao dịch trong quý này không có nhiều biến động.

Nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội được Colliers dự báo sẽ có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực vệ tinh như Hoài Đức, Gia Lâm hay Mê Linh nhờ vào sự phát triển của hạ tầng như tuyến vành đai 3.5 và vành đai 4 cũng như tính độc bản của các dự án tại các khu vực, trong đó huyện Hoài Đức dự kiến chiếm 18% nguồn cung tương lai của khu vực Hà Nội.

Bên cạnh đó, giá bán ở các khu vực vệ tinh này có sự cạnh tranh so với khu vực trung tâm, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các khu vực vệ tinh này.

"Năm 2023 sẽ cho thấy sự dịch chuyển của các dự án bất động sản liền thổ ra các khu vực vệ tinh. Những khu vực lân cận trung tâm có điều kiện thuận lợi để phát triển, hạ tầng được đầu tư đồng bộ và quỹ đất sạch còn nhiều, dễ dàng tạo nên các dự án mang tính độc bản, thu hút được người mua", Colliers dự báo.

Cũng theo Colliers Việt Nam, thị trường bất động sản liền thổ năm 2023 sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ, hướng tới nhóm khách hàng có nhu cầu thực. Việc này cũng hạn chế tình trạng lướt sóng, gây ra hiện tượng giá bán nhà liền thổ bị thổi phồng.

Tất cả điều này đều giúp cho thị trường phát triển theo hướng bền vững, loại bỏ các yếu tố tiêu cực, từ đó, chất lượng của các dự án sẽ được nâng cao hơn và thị trường được bình ổn.

Ngoài ra, việc các thủ tục, pháp lí được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn khiến cho các dự án bất động sản nói chung và bất động sản nhà liền thổ nói riêng kiểm chứng được chất lượng của các sản phẩm trước khi được tung ra thị trường.

Về phía doanh nghiệp, nhóm này có xu hướng áp dụng phương án chuyển nhượng, sát nhập dự án cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp khiến thị trường M&A diễn ra sôi nổi. Việc này cũng được cho là sẽ góp phần thanh lọc các doanh nghiệp không đủ vững về mặt tài chính, dòng tiền, góp phần củng cố lại thị trường.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.