Báo cáo Tình hình kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề cập hiện tượng tỷ giá tăng bất thường trong mấy ngày đầu năm Quý Tỵ. Sau Tết, giá niêm yết đôla tại các ngân hàng tăng lên 21.036 đồng, tăng 0,8% so với tháng 1/2013. Đôla tự do cũng tăng mạnh sau nhiều tháng yên ắng.
Quỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng chưa cần thiết điều chỉnh tỷ giá. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo Ủy ban này, tỷ giá tăng lần này chỉ "mang tính nhất thời" do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Trước Tết, một vài ý kiến cho rằng nên phá giá nhẹ tiền đồng để hỗ trợ cho xuất khẩu và theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có thế mạnh về xuất nhập khẩu, nhận định trên đã gây xáo động tâm lý dư luận.
"Nhu cầu thực về ngoại tệ hiện nay không thực sự lớn và tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại", báo cáo viết. Theo các tác giả, vì thị trường ngoại hối vẫn ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực như dự trữ ở mức cao, xuất siêu tiếp tục đạt khá, thị trường tự do chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ nên việc ổn định tỷ giá hoàn toàn có cơ sở.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chia sẻ quan điểm không phá giá tiền đồng với Ngân hàng Nhà nước. "Chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh khi xuất khẩu vẫn tăng khá và kiểm soát lạm phát còn không ít thách thức như hiện nay", các tác giả khuyến nghị.
Về lạm phát, báo cáo cho rằng dù lạm phát trong 2 tháng đầu năm cao so với mục tiêu lạm phát 6-6,5% của năm 2013 nhưng chưa thực sự đáng lo ngại. Theo tính toán của họ, việc điều chỉnh tỷ giá cũng như giá điện, nước và các dịch vụ công khác cần phải rất thận trọng bởi 3 yếu tố này nếu được thay đổi cùng thời điểm có thể góp phần làm CPI tăng từ 0,8% đến 1%. Mặc dù vậy, các biện pháp, chính sách nhằm xử lý nợ xấu và giải cứu bất động sản để nâng tổng cầu của nền kinh tế cũng cần tính đến lượng tiền ra lưu thông để không ảnh hưởng quá nhiều đến mục tiêu lạm phát của cả năm 2013.
Một vấn đề của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2013, theo Ủy ban này, là việc tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng không nhiều so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng trong nền kinh tế đến ngày 19/2 tăng trưởng âm 0,16%, tương đương với mức giảm khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng ngân hàng so với cuối năm 2012. Trong khi đó, theo dẫn chứng của báo cáo này, tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ Ngân sách Nhà nước còn chậm khi chỉ đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2012.