Sản xuất xi măng là một trong những ngành phát thải gây ô nhiễm rất nặng nề. Để giải quyết vấn đề này, ngành xi măng đang dần chuyển sang kinh tế tuần hoàn, nhằm phát triển bền vững.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có buổi làm việc tại Công ty cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng.

Đối với ngành vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050, trong đó nêu rõ từ nay đến năm 2030 phải sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng, đồng thời sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker xi măng.

Sản xuất xi măng từ rác thải

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết tiềm năng xử lý chất thải trong ngành xi măng rất lớn. Đây là giải pháp có nhiều cái lợi, giúp xử lý các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại để bảo vệ môi trường.

Biến rác thải thành xi măng

Giải pháp này có thể xử lý khối lượng lớn rác thải do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7. Nhờ đó, không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Hiện cả nước có 87 dây chuyền sản xuất xi măng nhưng mới chỉ có 3 đơn vị xử lý chất thải và chất thải nguy hại là Công ty Xi măng Insee (Kiên Giang), Công ty TNHH Sản xuất xi măng Thành Công (Hải Dương) và Công ty xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Tuy nhiên, với số lượng ít ỏi đơn vị này, chắc chắn không xử lý xuể khối lượng chất thải. Trong khi đó, Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và coi rác thải cũng là tài nguyên.

Từ cuối năm 2019 đến nay, VICEM và một số đơn vị thành viên đã triển khai thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng. Đồng thời, tăng sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo trong sản xuất.

Đến năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất xi măng (Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1) với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải. Năm 2021 là hơn 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3-5% nguyên liệu sét. Kế hoạch năm 2022, toàn VICEM xử lý là 86.000 tấn bùn thải.

Bên cạnh đó, rác thải công nghiệp thông thường được đơn vị này xử lý tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất, với tổng khối lượng rác gần 120.000 tấn (năm 2020), hơn 200.000 tấn (năm 2021), khoảng 276.000 tấn trong năm 2022.

Theo đó, hiệu quả kinh tế khi thử nghiệm xử lý rác thải ở những dây chuyền xử lý thủ công tiết giảm được chi phí sản xuất từ 3.000-5.000 đồng/tấn clinker, những dây chuyền xử lý bán tự động tiết giảm chi phí sản xuất từ 8.000-15.000 đồng/tấn clinker.

VICEM Bút Sơn được cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại trong sản xuất xi măng

Được biết, từ cuối năm 2021, VICEM Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đến nay đơn vị đã xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại với mức hỗ trợ chi phí xử lý là 400.000 đồng/tấn.

Thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050, VICEM đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo. Năm 2021, tổng lượng tro, xỉ các loại sử dụng toàn VICEM đạt gần 2,6 triệu tấn. Kế hoạch năm 2022 sử dụng trên 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ sử dụng là 11,5%.

Ngoài ra, VICEM cũng đã nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên. Cụ thể, năm 2020 lượng thạch cao nhân tạo sử dụng là 25.000 tấn. Đến năm 2021 thực hiện là 122.000 tấn, tăng gần 100.000 tấn so với năm trước đó.

Khó tiếp cận chất thải để sản xuất xi măng

Ngày nay, dù công nghệ có thể xử lý chất thải thành xi măng hữu ích, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp xi măng đang phải mua rác thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn phát thải, đầu tư mở rộng quy mô và tăng lượng chất thải xử lý.

Theo quy định hiện nay, các đơn vị sản xuất xi măng không thuộc quy hoạch của địa phương về các cơ sở xử lý chất thải, chưa đáp ứng điều kiện xử lý chất thải nguy hại, đồng thời chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho các doanh nghiệp này. VICEM cho biết công ty chưa tiếp cận trực tiếp được nguồn cấp tro, xỉ mà mua từ đơn vị cung cấp thương mại với chi phí logistic cao. Thậm chí, chi phí tro, xỉ về đến nhà máy cao hơn từ 5-8 lần giá sét.

Để giải quyết vấn đề trên, VICEM đã đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung các đơn vị sản xuất xi măng thuộc quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh để được tham gia đồng xử lý chất thải; sửa đổi quy chuẩn QCVN 41:2011/BTNMT cho phép các đơn vị sản xuất xi măng được xử lý chất thải công nghiệp thông thường và đồng xử lý chất thải nguy hại.

VICEM cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể chi phí xử lý cho từng loại chất thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… công bố công khai để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn phát thải.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.