Lượng vốn dồi dào, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cao (CAR), nhiều ngân hàng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà Nước áp đặt tăng trưởng tín dụng 20% một năm sẽ kiến họ có nguy cơ mất các khách hàng tốt và có khả năng ảnh hưởng xấu đến tình hình vốn trên thị trường.
“Nguồn vốn huy động được ở mức cao, chúng tôi chỉ cho vay ra với lãi suất phù hợp thị trường, ở mức 18 - 20% một năm. Trong khi nhiều doanh nghiệp “đói” vốn, chúng tôi có vốn lại bị khống chế ở mức tăng trưởng dư nợ tín dụng 20%/năm”, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần trong một cuộc họp với Ngân hàng Nhà Nước trước đây đã ngỏ ý xin điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng lên.

Nguy cơ mất khách hàng

Một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cũng nêu ý kiến tương tự. Vietinbank trong nhiều cuộc họp cũng đặt ra vấn đề này khi cho rằng, nguồn vốn của Vietinbank đang dồi dào và lại tài trợ nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, với “room” tín dụng này sẽ khiến cho ngân hàng bị cản trở trong việc giải ngân và gặp khó khăn triển khai kế hoạch lợi nhuận năm…


Theo các chuyên gia, tháo "van tín dụng" sẽ ảnh hưởng đến tình hình lạm phát. Ảnh minh họa: TNLinh.

Còn lãnh đạo một NHTMCP lớn tại TP HCM thì buồn bã trả lời khi được hỏi về vấn đề này: “Tôi không muốn bình luận gì thêm về vấn đề này. Ngân hàng yếu cũng như ngân hàng khỏe, đều có “room” tín dụng 20% thì… còn gì để bàn?”. Vị này cũng cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “buộc” tất cả các ngân hàng ở mức tín dụng 20% như đã thực hiện thì từ nay đến cuối năm, khả năng một số ngân hàng lớn “rơi rụng” khách hàng tốt là rất nhiều. Bên cạnh đó, việc không nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng có vốn tốt và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cao cũng sẽ khiến dòng vốn khó khơi thông, lãi suất khó giảm.

Thực tế hạn mức này cũng đẩy nhiều ngân hàng đến việc lách để “nới tín dụng” bằng các nghiệp vụ như ủy thác đầu tư hoặc các chương trình “gắn kết đầu tư” mà nhiều đơn vị tung ra đầu tháng 6.

Lo lạm phát

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết, dù Eximbank có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cao nhưng 6 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn chỉ đạt 8%. “Như vậy, 6 tháng cuối năm, chúng tôi còn khoảng 12% cho tăng trưởng dư nợ tín dụng”. Và mức này, theo ông Phước là khá phù hợp với thực tế của Eximbank vì lợi nhuận theo kế hoạch 6 tháng cũng đạt 50% kế hoạch năm. “Nếu có nới “room” tín dụng cho các ngân hàng thì chưa chắc doanh nghiệp đã vay vì lãi suất quá cao. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, ngân hàng cũng phải xét kỹ khi cho vay vốn, chọn lựa khách hàng gắt gao hơn để hạn chế tối đa rủi ro nếu có”, ông Phước nói.

Ông Đỗ Lam Điền, Phó Tổng giám đốc Maritime bank, thì nhận xét: “Có thể hạn mức tín dụng 20% năm 2011 chưa phù hợp với tất cả các ngân hàng nhưng đó là con số tính toán để điều hành lạm phát. Nếu nới “room” tín dụng lên cho một số ngân hàng thì cung tiền ra thị trường tăng lên và việc điều hành chính sách sẽ khó khăn hơn và lo nhất là lạm phát tăng”. Nhiều chuyên gia cho rằng, “room” tín dụng 20% có thể đụng chạm đến lợi nhuận của một số ngân hàng nhưng trong thực tế hiện nay cần nhìn tổng quan và nên chọn ưu tiên nào là trước nhất. “Ngân hàng cũng cần sẻ chia khó khăn với nền kinh tế”, vị này nói.
Theo Mỹ Dung (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.