Tài trợ 1 tỷ: Đòi hai năm không xong
Sự việc gần đây gây xôn xao dư luận và hai bên tranh chấp đã phải lô nhau ra tòa là vụ việc liên quan giữa Vietnamairlines và công ty BĐS Thăng Long Xanh.
Cách đây khoảng 2 năm, trong một giải golf do Vietnamairlines tổ chức, Thăng Long Xanh đã tham gia với tư cách là nhà tài trợ giải hole in one là một căn biệt thự tại dự án của công ty này, trị giá gần 1 tỷ đồng. Thăng Long Xanh đã từng có hợp tác tương tự với Vietnam Airlines vào những năm trước và không có người trúng giải.
Sau khi hứa thưởng căn biệt thự cho người trúng giải, nhà tài trợ đã xin giảm giá trị giải thưởng, thậm chí còn khẳng định họ không phải là chủ đầu tư dự án nên không có căn biệt thự nào. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh người chiến thắng đã phải lăm lần bảy lượt đi đòi phần thưởng. Sau nhiều lần thoái thác trách nhiệm, ban tổ chức đã buộc lòng phải đưa nhà tài trợ ra tòa.
Giải Hole in one xác suất thấp nhưng không có nghĩa không ai trúng giải.
Nói về giải hole in one, giới chơi golf cho rằng, giải thưởng này đây là một giải thưởng không hề dễ dàng chiến thắng, phần lớn đều do may mắn. Theo tạp chí USA Today, xác xuất để tay goft nghiệp dư thành công cho cú đánh Hole-in-one là 1 trên 12.500. Người ta vẫn cho đây là giải mang tính hình thức, bởi hiếm khi mới có người trúng thưởng, nhất là những tay gậy không chuyên trong nước.
Các giải thưởng "treo" của giải này cũng thường rất lớn như biệt thự hay siêu xe hàng tỷ đồng. Để đảm bảo không rủi ro, ở nhiều giải golf hay ở nước ngoài, đơn vị tài trợ đã phải mua bảo hiểm giúp họ bảo vệ việc chi trả giải thưởng thay vì phải tự bỏ ra chi phí.
Thích hoành tráng nhưng rồi trốn nợ
Trong giới BĐS, người ta cũng đang truyền tai nhau một đại gia từng một thời quảng cáo rầm rộ, hoành tráng trên báo chí. Logo của họ cũng xuất hiện trang trọng trong các hội nghị, giải thi đấu,...
Tuy nhiên, không ít công ty truyền thông đang trở thành chủ nợ bất đắc dĩ. Hợp đồng quảng cáo, tài trợ hàng tỷ đồng, quyền lợi đã hưởng, logo đã treo, tên doanh nghiệp đã vinh danh, vậy mà tiền thì họ lại không chịu trả.
Không ít đại gia ôm nợ vì nổ
Các đại gia này khất lần khất lượt, đến nay khoản tài chính này đã trở thành nợ khó đòi. Trong tình hình BĐS bê bết như hiện nay, bản thân các đại gia không còn trụ nổi, việc đòi nợ còn phải dài dài.
Giám đốc một công ty truyền thông chia sẻ, cách đây hơn một năm, đơn vị này cũng thực hiện một gói truyền thông cho công ty BĐS. Sau khi lăng xê hết cỡ ở tất cả các vị trí hot, đơn vị này yêu cầu tạm ứng, công ty BĐS mới chỉ rò rỉ ra hơn trăm triệu bạc rồi xin khất trả dần.
Cảm thông với đối tác gặp khó khăn, công ty truyền thông tạm treo khoản nợ này. Tuy nhiên, thấy tình hình không mấy khả quan, đơn vị này đã phải buộc lòng siết nợ bẳng lô biệt thự của dự án. "Trong thời điểm hiện nay, lô biệt thự này khó có thể bán được để quy ra tiền mặt cho công ty nhưng dù sao có cũng còn hơn không. Đùng cái công ty BĐS mà giải thể thì thiệt", vị giám đốc nói.
Ông còn cho biết thêm, một đại gia BĐS có tiếng khác cũng đang nợ hơn 50 triệu đồng, giá trị gói quảng cáo cách đây 3 năm. Tuy không lớn nhưng khoản nợ này khó có thể đòi được, bởi cả ông chủ lẫn công ty đã dời văn phòng khỏi Hà Nội về tận vùng núi của một huyện tỉnh Hòa Bình.
Nói về nhu cầu quảng cáo, truyền thông, ông Quỳnh, giám đốc một công ty BĐS chia sẻ: "Để bán được hàng, quảng cáo truyền thông là việc phải làm nhưng cũng phải liệu cơm mà gắp mắm. Tôi cũng thích làm quảng cáo nhưng phải xem có hiệu quả thực sự hay không, còn để đăng báo cho oai thì không nên trong lúc này. Tôi cũng đã phải từ chối thẳng thừng với hàng loạt lời mời chào hấp dẫn dịp cuối năm."
Theo ông Quỳnh, việc các đại gia BĐS xù nợ giải thưởng hay quảng cáo cũng có thể do tình hình kinh tế đi xuống, "phải lượm từng đồng cắc" thì bỏ ra hàng trăm triệu đồng như vậy là quá sức đối với họ. Họ làm ăn xuống dốc nên việc giữ thể diện không còn quan trọng hơn tiền.