Dự án bến xe miền Đông mới lần thứ 5 trễ hẹn
Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) – chủ đầu tư dự án bến xe miền Đông mới (quận 9, TP.HCM) vừa báo cáo UBND thành phố về kế hoạch tạm hoãn thời gian khai thác bến xe.
Được biết, theo kế hoạch bến xe miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/8. Tuy nhiên, Samco cho biết, hiện giai đoạn 1 của dự án bến xe miền Đông mới đã sẵn sàng khai thác nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên tạm thời chưa đưa bến xe vào khai thác theo kế hoạch.
Đây là lần thứ 5 bến xe có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng trễ hẹn.
Dự án bến xe Miền Đông mới được khởi công cách đây 3 năm nhưng nhiều lần chậm tiến độ. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 16 ha, nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc phường Long Bình, quận 9, TP.HCM và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Công trình gồm bốn khu A, B, C, D. Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng; khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Tổng vốn đầu tư của bến xe miền Đông mới là hơn 4.000 tỉ đồng.
Bến xe miền Đông mới lần thứ 5 trễ hẹn do ảnh hưởng của Covid - 19.
Samco cho biết trong giai đoạn 1, bến xe mới này sẽ phục vụ vận tải hành khách tuyến đường cố định có cự ly từ 1.000km trở lên. Chủ yếu đi từ TP.HCM đến các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.
Giai đoạn 2, bến xe Miền Đông mới sẽ lần lượt phục vụ hành khách đi các tuyến đường từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trở vào TP.HCM.
Bến xe miền Đông mới là một trong những hạ tầng quan trọng tại cửa ngõ khu Đông TP.HCM. Cùng với tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang xây dựng, bến xe này kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi cho hạ tầng khu Đông.
Theo kế hoach, trong năm nay, TP.HCM sẽ cho xây dựng dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe miền Đông mới có số vốn đầu tư gần 450 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án bao gồm xây cầu vượt số 3 gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông; Xây cầu vượt số 4 gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương.
Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, 1 đường trên phần đường song hành phải quốc lộ 1 rộng 8m, dài 670m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái quốc lộ 1 rộng 8m, dài 350m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.
Đồng thời, 1 cầu bộ hành rộng 4m vượt qua xa lộ Hà Nội tại gần vị trí ga metro Bến xe miền Đông cũng sẽ được hình thành nhằm đảm bảo an toàn, tạo điều kiện tốt nhất kết nối hành khách từ ga metro đi vào khu vực bến xe.
Những dự án hạ tầng này là động lực không nhỏ thúc đẩy sự nhộn nhịp của thị trường bất động sản quanh khu vực. Hiện tại quanh khu vực bến xe miền Đông mới và nha ga metro số 1 hàng loạt dự án bất động sản đã và đang được xây dựng. Một số dự án đã và đang được xây dựng khu vực này như Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông,The EastGate ... giá bán những căn hộ tại đây hiện dao động trên dưới 25 triệu đồng/m2.
-
Bến xe miền Đông mới có thể vận hành vào tháng 8/2020
CafeLand – Bến xe miền Đông mới có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng tại quận 9, TP.HCM dự kiến sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ giữa tháng 8/2020.
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...