TP.HCM sẽ trám bê tông thấm nước quanh gốc cây nhiều tuyến đường
Liên quan đến hàng cây bị bê tông bịt kín gốc trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM) gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, ông Hồ Hữu Hải, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết, đây là loại bê tông thấm nước, đang triển khai thí điểm và sắp tới sẽ nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác.
Thông tin trên được ông Hải cho biết tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 10/8.
Bê tông thấm nước được trám quanh gốc cây xanh ở TP.HCM
Theo ông Hải, vật liệu phủ gốc cây trên đường Trường Sơn khác với bê tông thông thường. Đây là loại bê tông có tính thấm nước tốt.
"Đây là loại vật liệu đã được các nước ứng dụng rộng rãi để làm đường dạo trong công viên, khu dân cư, vỉa hè, bồn gốc cây với mục đích tăng không gian mặt bằng sử dụng nhưng đồng thời tạo thẩm mỹ và đạt được giải pháp thấm, thoát nước tự nhiên cho bề mặt", đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM phân tích.
Vật liệu được sử dụng tại các gốc cây trên đường Trường Sơn là một trong những mẫu thiết kế thí điểm đầu tiên nên sẽ có đánh giá để cải tiến về độ thẩm mỹ, khả năng thấm nước, mức độ tiện lợi. Theo đó, bê tông thấm nước không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây xanh.
Ông Hồ Hữu Hải cho biết, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã sử dụng bê tông thấm nước ở một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Quốc Hương (TP.Thủ Đức), bước đầu đánh giá đảm bảo mỹ quan, tăng không gian sử dụng công cộng và đáp ứng tốt việc thấm, thoát nước.
Thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng trên nhiều tuyến đường khác, đặc biệt ở khu vực trung tâm như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi...
Bê tông thấm nước là gì?
Bê tông thấm nước hay còn được gọi là bê tông xốp, bê tông thẩm thấu nước, được sản xuất có lỗ rỗng dạng tổ ong giữa các hạt cốt liệu, có tác dụng tăng cường độ xốp mặt đường.
Sử dụng bê tông thấm nước cho phép lưu lượng nước chảy qua bề mặt và được ngấm xuống dưới
Loại vật liệu này có thành phần chủ yếu là vật liệu cấp phối đá mi, sỏi màu các loại với chất kết dính là keo polycem. Điều này cho phép lưu lượng nước chảy qua bề mặt và được ngấm xuống dưới. Trên thực tế, các loại vật liệu góp phần chống ngập như bê tông thấm nước đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng vào các công trình quan trọng.
Bê tông thấm nước được sản xuất có lỗ rỗng dạng tổ ong giữa các hạt cốt liệu
Ưu điểm của loại bê tông này là có khả năng thấm nước cao, nên nước mưa có thể thẩm thấu nhanh xuống nền đất nên giảm áp lực cho hệ thống thoát nước, hạn chế ngập úng. Đồng thời, sử dụng vật liệu này cũng là giải pháp bổ sung lớp nước mặt và mạch nước ngầm một cách tự nhiên, duy trì sự phát triển của hệ sinh thái xanh đô thị, thân thiện với môi trường.
Sử dụng bê tông thấm nước có thể giúp tăng mỹ quan đô thị và thấm nước khi trời mưa
Nhờ cấu tạo đặc biệt với nhiều lỗ rỗng dạng tổ ong, nước có thể bốc hơi từ nền đất qua lớp bê tông lên phía trên khi trời nắng, hạn chế sự hấp hơi nóng trên bề mặt, giảm hiệu ứng bê tông hóa đô thị.
Bề mặt bê tông có độ thẩm thấu cao, giữ cho bề mặt đường luôn khô ráo, giúp lốp xe bám mặt đường hơn nên an toàn cho người tham gia giao thông. Tương tự bê tông truyền thống, bê tông thấm nước cũng có độ bền rất tốt với tuổi thọ lên tới 40 năm.
Bên cạnh bê tông thấm nước, bê tông hữu cơ polymer, bê tông hốc rỗng và gạch xuyên nước với khả năng thoát nước tốt cũng đang được nghiên cứu ứng dụng thực tiễn cho các công trình ngầm, góp phần làm giảm tải ngập úng đô thị.
-
Ứng dụng vật liệu bê tông xanh trong chống ngập úng đô thị
Bê tông xanh là vật liệu xây dựng đang được nghiên cứu ứng dụng nhằm góp phần giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).