Tín hiệu sáng từ nút thắt vĩ mô
Nhận xét của ông Richard Leech những ngày đầu tháng 8 có thể bị cho là quá lạc quan trong bối cảnh chợ bất động sản vẫn "mây đen phủ kín bầu trời". Tuy nhiên, ngay sau đó, những tia sáng đầu tiên đã hé lộ.
Chỉ trong vòng tuần qua, tin tốt liên quan đến chính sách vĩ mô đã dồn dập đến với thị trường, như việc Chính phủ chủ trương nhấc một số phân khu BĐS ra khỏi nhóm cho vay phi sản xuất; sắp tới sẽ nới lỏng tín dụng cho vay BĐS, từ tháng 9 lãi suất ngân hàng sẽ hạ...
Nhận xét về những thông tin tích cực này, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng thị trường đã nhận được động thái "cởi từ nút buộc".
Thực tế, thống kê về thị trường BĐS 10 năm qua đã ghi nhận, từ năm 2000-2010, giá đất đã tăng khoảng 10 lần, tương đương với tốc độ đổ tiền vào thị trường bất động sản. Chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, những ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ đã khiến thị trường BĐS rơi vào cảnh chợ chiều.
Chính vì vậy, những động thái tháo gỡ từ chính nút thắt tài chính vĩ mô tuần qua đã thực sự đem lại những tia hy vọng cho thị trường.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng nhận xét, do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính nên dù có độ trễ từ 2-3 tháng, thị trường BĐS sẽ luôn có xu hướng sôi động khi tín dụng được nới lỏng.
Nhăm nhe giữ đất
Đáp lại, thị trường dù đang ở tháng Ngâu - ảm đạm nhất trong năm, cũng đã có tín hiệu cho thấy tâm lý bán đổ, bán tháo đã dừng hẳn, thậm chí bắt đầu có giao dịch trở lại ở một vài phân khúc.
"Những người không chịu nổi nhiệt, cần bán đã phải bán tháo cả rồi, bây giờ là cuộc giằng co giữa những chủ nhà đất có tiềm lực với khách hàng. Nhưng việc giảm giá sâu nữa không xảy ra vì thị trường đang đi dần vào thế ổn định", ông Hoàng Hùng, chủ một văn phòng môi giới nhà đất tại khu Trung Hòa Nhân Chính, nhận xét.
Cũng theo ông Hùng, đang tháng cô hồn nên khách đến văn phòng nhà đất thời điểm này hầu như chỉ thăm dò giá cả, nghe ngóng thị trường nhưng sự trở lại của khách hàng cũng đủ làm giới cò đất khấp khởi hy vọng.
"Phần lớn khách vẫn còn dè dặt, chưa chốt. Trong khi nhiều người vẫn ôm chắc tiền chờ đợi giá sẽ xuống tiếp thì có không ít người đã hết kiên nhẫn, chỉ nấn ná đợi qua tháng cô hồn là xuống tiền ngay. Chúng tôi cũng đếm từng ngày, mong hết tháng ngâu này để sang tháng sau tình hình sẽ khả quan hơn" - ông Hùng nói.
Ghi nhận tại nhiều văn phòng môi giới khác cũng cho thấy, hiện tại, giao dịch sản phẩm chung cư đang ấm hơn so với trước đây, nhất là những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ở thực và tiền thực của một số lượng khách hàng nhất định tại Hà Nội cũng như một số khách ngoại tỉnh mua nhà cho con lên Hà Nội học trước thềm năm học mới.
"Mặc dù là tháng ngâu nhưng văn phòng tôi cũng giao dịch được tương đối, nhất là những chung cư tầm tiền trên dưới 2 tỷ đồng. Thực tế, văn phòng trước đây chỉ chuyên về đất nền, đất thổ cư thì hiện tại chúng tôi đã xoay sang mảng chung cư để đáp ứng nhu cầu thực" - anh Tất Công - chủ sàn giao dịch B.D.S tại Cầu Giấy, cho biết.
Tuy nhiên, không chỉ những người có nhu cầu thực mới tìm đến các văn phòng nhà đất mà nhiều nhà đầu tư cá nhân đi tìm kiếm cơ hội bắt đáy thị trường.
Anh Nguyễn Văn Huy, một nhà đầu tư ngụ tại phố Hoàng Cầu cho hay, "vừa mới bán được vàng khi giá lên đỉnh, hầu hết thành viên trong nhà anh đều có tâm lý chuyển tiền sang đất. Bố mẹ anh suốt ngày giục đi tìm mua đất để giữ của vì một số khu vực hiện đang được giá mà sợ tới cuối năm, lãi suất giảm thì giá BĐS lại lên".
Theo kết quả điều tra khu vực hộ gia đình thành phố có tích lũy của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư ưu thích của người thành thị, chiếm 34% trong các hoạt động đầu tư. Kết quả điều tra về việc sử dụng kiều hối trên 4.000 hộ gia đình cũng cho thấy, phần lớn nguồn ngoại tệ đều chảy vào bất động sản.
Bức tranh BĐS tại Hà Nội hiện kém sáng, nhưng có vẻ như tâm lý cất tiền vào BĐS của những người dư dả vẫn là cố hữu. Nhìn trong trung và dài hạn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định còn rất nhiều tiềm năng và lạc quan về triển vọng thị trường.
"Thị trường lên hay xuống là chuyện bình thường nhưng nhu cầu và nguyện vọng có nhà ở phù hợp của người dân là rất lớn. BĐS vẫn là một thị trường thu hút sự quan tâm đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chia sẻ mứoi đây.
Chưa ai dám khẳng định song những tín hiệu tương đối lạc quan về mặt chính sách cũng như thị trường vừa qua đang khiến giới kinh doanh nhà đất khấp khởi trông đợi sẽ có "cầu vồng tháng 8" trong mùa trung thu này.