01/06/2020 7:15 AM
CafeLand - Nếu điều đó diễn ra như dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ nhộn nhịp hơn khi các công ty nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc đang lên kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam sau sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc di chuyển nhà máy của các công ty nước ngoài khi trở thành một điểm đến thay thế cho Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng bất động sản công nghiệp và dân cư ở thủ đô Hà Nội và TPHCM có khả năng sẽ có những giao dịch sôi động sau khi đại dịch phá vỡ chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại và chính trị giữa Trung Quốc và các cường quốc kinh tế khác.

Tỷ lệ lấp đầy trong khu công nghiệp ở khu vực phía bắc, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng, tăng lên mức 72% trong quý đầu tiên từ cuối năm 2019. Sự gia tăng được hỗ trợ bởi nhu cầu cơ bản, trước khi giảm dần từ tháng 2 trong bối cảnh đại dịch xảy ra.

“Sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp của các công ty nước ngoài sẽ kéo theo nhu cầu về bất động sản nhà ở dành cho nhân viên nước ngoài lẫn trong nước. Từ đó các phân khúc bất động sản dân cư sẽ gia tăng về giá là điều dễ xảy ra”, Jeremy Williams, Giám đốc kinh doanh tại PropertyGuru, cho biết.

Mỹ và Liên minh Châu Âu cho thấy họ sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác. Apple, Nintendo và Samsung và nhiều nhà cung cấp ở châu Á đã chuyển một số công suất sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam.

Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc “di cư” này là nhờ lợi thế gần Trung Quốc cũng như có các lao động lành nghề và có kỷ luật. Bên cạnh đó, phản ứng của Việt Nam trong việc xử lý, khắc phục khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 cũng được ca ngợi như là một mô hình thực tiễn tốt nhất.

Cùng với các biện pháp cách ly an toàn, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động lại nền kinh tế sau dịch bệnh. Điều này càng thu hút các nhà đầu tư, công ty nước ngoài lựa chọn Việt Nam như một môi trường an toàn và thuận lợi cho việc phát triển sản xuất.

Các nhà phát triển bất động sản, quỹ đầu tư tư nhân và các nhà phân tích vẫn đang đặt cược vào triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Diệu Linh (South China Morning Post)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.