CafeLand - Không chỉ rục rịch mua bán, thời gian gần đây nhiều chủ đầu tư liên tiếp công bố chuyển nhượng dự án. Các chuyên gia dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới vì khi bất động sản trượt giá là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư chuyên “săn” dự án.

Giá bất động sản ngày một đi xuống là cơ hội cho các nhà đầu tư chuyên "săn" dự án. Ảnh: K.Linh

Sau những thương vụ đình đám của các đại gia bất động sản như Vingroup chuyển nhượng Vincom Center A TP HCM, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố bán bớt các dự án bất động sản để tập trung vào các dự án chủ lực,… gần đây thị trường bất động sản lại “dậy sóng” khi nhiều doanh nghiệp muốn chuyển nhượng lại dự án.

Mới đây, hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Locogi 16 vừa thông qua việc chuyển nhượng dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 0,9 ha là Sky Park Residence tại Hà Nội. Giá chuyển nhượng dự án chưa được chủ đầu tư tiết lộ.

Trước đó, Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thống nhất sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án chung cư Bàu Sen (diện tích 0,9ha) cho nhà đầu tư khác.Trong trường hợp không chuyển nhượng được sẽ xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển dự án này từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội.

Giữa tháng 8, Công ty Cổ phần Coma 18 cũng vừa thông báo chuyển nhượng tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng VP6 Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội với giá chuyển nhượng dự án không thấp hơn 12,96 tỷ đồng (đã bao gồm 10% VAT). Mục đích chuyển nhượng là thu hồi vốn đầu tư, tập trung vốn để thi công tiếp dự án tòa nhà Westa.

Mới đây, Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) đã thông qua việc Công ty Cổ phần đầu tư AHC Việt Nam (AHC) xin hợp tác đầu tư với PVR hoặc các hình thức khác để bán, chuyển nhượng Dự án tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội để đổi lại được hưởng phân chia lợi nhuận từ dự án.

Đó chỉ là 1 trong số nhiều chủ đầu tư chính thức “đánh tiếng” rộng rãi về việc muốn chuyển nhượng lại dự án để tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc tập trung đầu tư vào các dự án chủ lực. Trên thị trường vẫn còn nhiều vụ mua bán sáp nhập được thực hiện trong âm thầm. Điển hình như việc Indochina Land đã nhanh tay mua lại 3 dự án tại Hà Nội và Tp.HCM, dù thông tin chính thức về 3 dự án này vẫn chưa được tiết lộ nhưng theo giới đầu tư thì có 2 dự án tại Tp.HCM và 1 dự án tại Hà Nội được tập đoàn này mua lại.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, xem những khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản là cơ hội để tiến vào thị trường và mở rộng danh mục đầu tư của họ.

Cùng chung quan điểm trên, ông Chris Brown - Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam thì giai đoạn này là thời cơ cho các chủ đầu tư mới có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án phát mãi. Các dự án phát mãi được các nhà đầu tư quan tâm nhất sẽ là các dự án có địa điểm tốt, hồ sơ giấy tờ minh bạch, cấu trúc sở hữu hợp lý và giá cả cạnh tranh.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn khiến các nhà đầu tư thận trọng khi gia nhập thị trường đó là khả năng sinh lời của các dự án bất động sản vì giá đất ở Việt Nam khá cao, chuyên gia này nhận định.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.