12/08/2022 12:03 PM
Ở một quốc gia coi bất động sản là động lực thúc đẩy tăng trưởng, việc hàng trăm nghìn người mua nhà tẩy chay việc trả nợ ngân hàng đang là một hồi chuông báo động đối với các nhà chức trách.

Tình thế bất đắc dĩ

Câu chuyện bắt đầu bằng một bức thư dài 590 từ được viết bởi những khách hàng của dự án Dynasty Mansion. Họ đã từng cầu xin tập đoàn Evergrande, chủ đầu tư “nặng nợ” nhất thế giới, hoàn thiện những ngôi nhà mà họ phải trả tiền từ rất lâu trước đó.

“Những người mua nhà bằng khoản vay thế chấp sẽ ngừng thanh toán tiền cho ngân hàng, trừ khi chủ đầy tư tiếp tục xây dựng trước ngày 20/10”, họ cho biết.

Tối hậu thư này đã lan truyền khắp các mạng xã hội WeChat và Douyin, trở thành lời kêu gọi hành động đối với những người đang bị ảnh hưởng nặng nề khi bong bóng bất động sản tại Trung Quốc xẹp xuống quá nhanh.

Trong nhiều ngày, bức thư đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ của người mua nhà từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, từ Thâm Quyến đến Trịnh Châu. Trong vòng bốn tuần, hơn 320 dự án ở khoảng 100 thành phố của Trung Quốc đã phải đối mặt với phản ứng căng thẳng từ phía người mua nhà, buộc chính quyền phải yêu cầu các ngân hàng và chủ đầu tư có hành động để xoa dịu tình hình.

Một người mua tại tổ hợp gồm 14 tháp dân cư của Evergrande ở thành phố Cảnh Đức Trấn thuộc tỉnh Giang Tây cho biết: “Chúng tôi không cố tình gây ra tình trạng này, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Tất cả những gì chúng tôi muốn là sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương. Chúng tôi hy vọng họ thể hiện trách nhiệm”.

Những người mua nhà đã đạt được nhiều hơn thế. Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu quan chức địa phương “đảm bảo hoàn thành” các dự án nhà ở, trong khi các ngân hàng nhà nước đang được chuẩn bị để rót đủ vốn cho các chủ đầu tư.

Christian Goebel, giáo sư Đại học Vienna cho biết Trung Quốc chưa từng chứng kiến một cuộc tẩy chay có quy mô lớn như hiện nay từ phía người mua nhà.

Quyền năng của mạng xã hội

Bức tối hậu thư đầu tiên với khoảng 100 chữ ký lan truyền trên các mạng xã hội là phương sách cuối cùng mà người mua nhà có thể làm sau khi mọi nỗ lực để thúc đẩy việc bàn giao nhà đều thất bại. Người mua nhà thể hiện thái độ trên cả mạng xã hội và trong thực tế kể từ ngày 30/06, nhưng sự thất vọng của họ đã tồn tại suốt nhiều tháng trước đó.

Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt tín dụng và kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp bất động sản kể từ năm 2020 đã gây ra một cuộc khủng hoảng về thanh khoản, đẩy các chủ đầu tư như Evergrande vào tình trạng không đủ vốn để hoàn thiện căn hộ. Những công trình từng chỉ mất 12 đến 18 tháng để hoàn thiện, nay sẽ mất nhiều năm hoặc bị đình trệ hoàn toàn.

Trong khi đó, người mua vẫn phải thanh toán các khoản vay thế chấp cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đó là lúc họ bắt đầu lên phương án để cứu vãn tài sản cũng như khoản đầu tư mà mình đã dành dụm suốt nhiều năm, thậm chí để tránh khỏi việc bị phá sản.

Sự thất vọng gia tăng với các chủ đầu tư đã khiến một người mua nhà ở thành phố Cảnh Đức Trấn nảy ra ý tưởng tẩy chay việc trả nợ ngân hàng trong một nhóm WeChat. Động thái này khá rủi ro, vì có thể làm giảm điểm tín dụng và đẩy người mua rơi vào nhóm nợ xấu, từ đó khiến họ gặp khó khăn khi cần vay vốn đầu tư hoặc mua một bất động sản khác. Dù vậy, ý tưởng này được nhiều người hưởng ứng và lan rộng tại một số trang web của Evergrande, hay Douyin, một phiên bản TikTok của Trung Quốc.

Tối hậu thư đã được gửi đến các nhà chức trách và được đăng tải trên Douyin. Người mua nhà trong hàng chục dự án hưởng ứng theo cách làm này, mỗi ngày họ sao chép bức thư và đăng những lời cầu xin tương tự trên Douyin và Weibo, một phiên bản Twitter của Trung Quốc. Một số bài đăng đã thu hút hàng triệu lượt thích. Người mua nhà đã tải lên các video về những công trường xây dựng bị đình trệ, các bức ảnh ghi chú chi tiết các cuộc đàm phán và cuộc cãi vã của họ với chính quyền địa phương.

Phong trào này lan rộng và thậm chí được các công ty nghiên cứu và ngân hàng đầu tư toàn cầu như Citigroup chọn để đánh giá tác động của việc tẩy chay trả nợ thế chấp.

Làn sóng phản đối trên mạng diễn ra mạnh mẽ, thậm chí lan sang các nhà cung cấp xây dựng. Họ kiên định với khẩu hiệu “Xây dựng trở lại thì mới thanh toán khoản vay”.

Những tín hiệu tích cực

Phản ứng của người mua nhà đã mang lại một số hiệu quả tích cực. Ở thành phố Cảnh Đức Trấn, chính quyền đã cam kết sẽ buộc Evergrande khởi động lại việc xây dựng, và yêu cầu các công ty quốc doanh hỗ trợ hoàn thành các dự án của Evergrande vào cuối năm 2023.

Một số cuộc thảo luận về việc hoãn trả nợ thế chấp cho đến khi việc xây dựng hoàn tất đã diễn ra. Chính phủ cũng đang thúc đẩy các ngân hàng cho vay để chủ đầu tư hoàn thành dự án, và có thể tiếp nhận quỹ đất chưa phát triển từ các công ty mắc nợ để làm tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu khi nào những ngôi nhà sẽ được bàn giao cho khách hàng. Những chủ nhà như Peter, người đã mua một căn hộ trị giá 2 triệu Nhân dân tệ (296.000 USD) ở thành phố Trịnh Châu vào tháng 5 năm ngoái sau khi vay mượn từ cha mẹ và tiết kiệm trong nhiều năm, muốn mọi chuyện sớm đi đến hồi kết.

Ông nói: “Chủ đầu tư đã gây cho chúng tôi tổn hại to lớn. Chúng tôi vô cùng chán nản. Tôi chỉ muốn nhận được căn hộ của mình”.

Lam Vy (FY)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.