Và để tăng sức hút cho sản phẩm và thu hút nguồn vốn nhàn rỗi, mỗi DN kinh doanh BĐS nghĩ ra một chiêu hút khách riêng, cạnh tranh quyết liệt với NH.
Mua nhà được hưởng lãi suất 22%/năm
Chiêu khuyến mãi khủng này được công bố
từ Ocean Group – chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp Star City Lê Văn Lương.
Theo đó, từ nay đến hết 5.11.2011 Cty áp dụng chương trình đặc biệt
dành riêng cho khách hàng mua căn hộ cao cấp StarCity Lê Văn Lương. Với
chương trình đặc biệt này, phía Cty khẳng định khách hàng sẽ có lãi ngay
sau khi ký hợp đồng mua bán do được hưởng mức lãi suất (LS) lên tới 22%
tính đến thời điểm nhận bàn giao nhà dự kiến tháng 9.2013. Như vậy,
những khách hàng mua căn hộ Star City trả trước tiến độ cho dự án sẽ
được hưởng mức LS cao hơn LS huy động tiền gửi tiết kiệm đang áp dụng
tại các ngân hàng (hiện LS huy động của các NH ở mức 14%/năm – PV).
Theo các chuyên gia, chính sự trầm lắng
kéo dài của thị trường đã khiến các chủ đầu tư BĐS Hà Nội buộc phải cân
đối lại lợi nhuận và phải học hỏi kinh nghiệm bán hàng thời khủng hoảng
từ các DN kinh doanh BĐS TPHCM. Việc các dự án tốt áp dụng nhiều chiêu
khuyến mãi “sốc” như dự án Times City của Vincom; dự án căn hộ Rừng Cọ
của Vihajco... với mức giảm giá vào giá bán lên tới gần 10% tùy loại đã
được nhà đầu tư đánh giá rất cao.
Tại TPHCM, mới đây, CTCP Vạn Phát Hưng
cũng đã gây sốc với chương trình cam kết lợi nhuận 15% cho khách hàng
mua căn hộ thuộc khu phức hợp La Casa, phường Phú Thuận, Q.7. Cụ thể,
khi khách hàng mua căn hộ La Casa trong thời gian 24 tháng và thanh toán
60% tổng giá trị căn hộ, nếu khách hàng thay đổi quyết định, không có
nhu cầu mua nữa thì chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã thanh
toán, kèm theo khoản lợi nhuận đã cam kết 15%.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn linh hoạt trong phương thức thanh toán khi mua căn hộ La Casa được chia thành 15 đợt trong thời gian 40 tháng. Hỗ trợ khách hàng nhận nhà khi đã thanh toán 65%. Như vậy, sau hơn hai năm, khách hàng sẽ trở thành chủ nhân của một căn hộ hoàn hảo bên sông trong một khu phức hợp đa tiện ích lớn nhất. Còn nếu không thì vẫn bảo toàn được số tiền góp vốn mua nhà cộng thêm LS như ngân hàng huy động.
Cạnh tranh với NH
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, các DN kinh doanh BĐS TPHCM có phần nhanh nhạy hơn các DN cùng ngành nghề trên địa bàn Hà Nội. Bằng chứng là để huy động được nguồn vốn triển khai dự án, nhiều DN đã áp dụng hình thức phát hành trái phiếu với mức LS huy động hấp dẫn có tính cạnh tranh cao với NH để hút vốn.
Đơn cử như CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương
Tín (mã CK trên sàn giao dịch là SCR). Trong khi LS huy động đang được
NHNN ấn định ở mức trần 14%/năm, thì Cty này vừa công bố phát hành thành
công 99 trái phiếu riêng lẻ có giá trị 99 tỉ đồng. Trái phiếu được phát
hành với kỳ hạn 18 tháng. LS trái phiếu thả nổi và có điều chỉnh hằng
tháng. LS tháng đầu tiên là 17%/năm, LS tháng tiếp theo được áp dụng như
LS tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Sacombank lãi cuối kỳ +2,5%.
Tương tự, cũng thuộc địa bàn TPHCM, CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng phát hành 50 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi với LS cố định 21,5%/năm. Như vậy, so với LS huy động của ngân hàng thì LS trái phiếu DN đã cao hơn từ 3% đến 7%.
Theo nghiên cứu của Cty Knight Frank -
một trong những Cty chuyên nghiên cứu thị trường BĐS của nước ngoài đặt
tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các
DN đẩy mạnh các giải pháp huy động vốn là di tính thanh khoản của thị
trường BĐS quý III/2011 đặc biệt thấp. Rất nhiều khách mua tiềm năng còn
e ngại và tiếp tục chờ đợi, trước hết là do hạn chế trong việc tiếp cận
nguồn tài chính. Tốc độ bán hàng một số dự án rất chậm, rất nhiều các
dự án khác phải tạm hoãn hoặc đình trệ do thiếu vốn.
Mặt khác, so với LS đi vay ở lĩnh vực
phi sản xuất trên 20%/năm thì DN trả lãi cho khách hàng cao hơn lãi NH
vẫn tốt hơn. Với hình thức bán hàng, huy động vốn cam kết LS như vậy, DN
dễ dàng có vốn và chủ động hơn trong việc đầu tư, tiêu thụ sản phẩm.
Điều đáng ngại là, cũng theo tổ chức này, trong thời gian tới, tình hình hoạt động của thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tương tác với các yếu tố như tỉ lệ lạm phát, chính sách tiền tệ của Chính phủ và tình hình hoat động của các hình thức đầu tư khác như vàng và CK. Bên cạnh đó còn phải tính đến các yếu tố quyết định đến nhu cầu của người mua nhà để ở như tốc độ tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng thu nhập... Và nếu như vậy thì trong ngắn hạn, thị trường BĐS vẫn sẽ tiếp tục khó khăn và người có nhu cầu mua nhà vẫn còn có nhiều cơ hội để mua được nhà giá tốt.