Theo các chuyên gia bất động sản, chưa bao giờ thị trường bất động sản lại có đợt giảm giá mạnh như lần này. Những năm trước mức giảm ghi nhận tại các dự án chỉ khoảng 1-3 triệu đồng/m2 thì những tháng đầu năm 2011, mức giảm trung bình trên dưới 10 triệu đồng/m2.
Có nhiều lý do đã được đưa ra nhưng dường như tất cả đều xuất phát bởi nguyên nhân chính là do niềm tin đã không còn.
Trong đợt giảm giá mạnh nhất lần này có thể kể đến các dự án được “bán lúa non”. Đây là các dự án được chủ đầu tư triển khai bán hàng khi chưa hoàn thành xong các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, dự án chậm triển khai… Tiêu biểu nhất là dự án Thanh Hà – Cienco 5 (Hà Đông) giảm 35 triệu đồng/m2 xuống còn 27-28 triệu đồng/m2. Hay như các dự án đô thị hoang thuộc địa bàn Mê Linh giá không những giảm mạnh mà không có người hỏi mua.
Không chỉ dự án đất nền mà cả các dự án chung cư vẫn còn “trên giấy” cũng nhận được sự “ghẻ lạnh” của giới đầu tư như dự án chung cư Diamond Tower (Đại lộ Thăng Long), dự án chung cư B5 Cầu Diễn, dự án chung cư Vân Canh….
Nếu như
trước đây, việc mua bán trao tay những dự án bán lúa non được nhiều nhà
đầu tư lựa chọn thì nay hầu hết các nhà đầu tư quay lưng bởi có quá
nhiều điều khiến nhà đầu tư phải thất vọng khi thời gian chờ đợi dự án
được triển khai quá lâu, có dự án bất động 3-4 năm.
Bên
cạnh đó, tính pháp lý không rõ ràng khiến cho nhà đầu tư chịu nhiều rủi
ro. Đơn cử, vụ việc lình xình tại dự án Nam An Khánh. Sau khi Thanh tra
Chính phủ có đề xuất dừng triển khai dự án do một số vi phạm trong việc
chuyển nhượng dự án cũng khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin và điều
này ngay lập tức phản ánh vào việc giá đất dự án giảm mạnh.
Hay sự đóng băng phân khúc chung cư cao cấp phần nào liên quan đến những bất đồng quan điểm giữa chủ đầu tư và khách hàng khi vụ bê bối liên tiếp xảy ra như kiểu làm mất lòng tin khác. Đó là kiện cáo giữa những cư dân của tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Cầu Giấy) với ban quản lý tòa nhà. Chưa thể nói ai đúng ai sai trong trường hợp này, nhưng rõ ràng những người mua nhà ở đây sẽ khó bán lại căn nhà của mình hoặc nếu bán được thì cũng sẽ bán với giá thấp.
Không chỉ vậy, nhiều chủ đầu tư để bán được hàng họ sẵn sàng đánh lừa thượng đế. Trong đó, phổ biến nhất là việc trong quy hoạch dự án, chủ đầu tư thượng tạo ra hồ lớn nhằm tạo không gian cảnh quan đẹp để mời gọi nhà đầu tư. Thế nhưng, khi nhà đã bán xong thì chủ đầu tư “xóa” luôn cả hồ để xây nhà. Trường hợp, hàng trăm hộ dân sống tại chung cư Văn Khê khiếu nại chủ đầu tư dự án là một ví dụ điển hình nhất mới xảy ra đầu năm nay.
Thị trường vốn đang èo uột lại liên tục bị “dội bom” khi hàng loạt các vụ vỡ nợ lớn được công bố. Điều đáng nói, các trùm bất động sản đã lợi dụng lòng tin nhiều người để lừa đảo mua bán bất động sản.
Vẫn
còn rất nhiều những vụ việc như vậy xảy ra trên thị trường bất động sản
khiến nhà đầu tư, người mua nhà mất niềm tin. Chính điều này, khiến cho
thị trường không thể phục hồi
Theo
các chuyên gia bất động sản, điều quan trọng nhất của các chủ đầu tư
bất động sản là tôn trọng sự thật, tôn trọng khách hàng nếu làm được
điều này mới có thể chinh phục khách hàng.
Ông Edward Chi - Chủ tịch Coldwell Banker Việt Nam cho rằng,“lòng tin được hiểu nhiều cách chúng ta hứa cái gì và chúng ta thực hiện điều gì. Khách hàng họ mong muốn điều gì. Đối với sản phẩm nhà ở mà nhận đúng thời hạn nhưng chất lượng không đạt được những gì chúng ta quảng bá thì đó là mất lòng tin. Khi niềm tin đối với thị trường không có thì sẽ khó tìm được người mua”, ông Edward Chi nói.