Trên phương diện kinh tế vĩ mô, vòng xoáy lãi suất dường như đã vượt "đỉnh" và quay đầu nhờ vào những chính sách cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sự tác động này chưa đủ sức làm thay đổi tư tưởng chờ “giá đáy” của đại bộ phận người dân khi quyết định đầu tư bất động sản.

Bất động sản: Người mua chờ “giá đáy”

Nhiều doanh nghiệp tìm các phương án hỗ trợ nhằm chia khó với khách hàng. Ảnh: Minh Nguyệt


Đồng cảnh ngộ với thị trường chứng khoán, bất động sản cũng bị xếp vào nhóm ngành phi sản suất. Mọi hoạt động trên thị trường này đều bị kìm kẹp, hạn chế, đặc biệt là việc siết chặt dòng vốn chảy vào. Nhiều doanh nghiệp địa ốc “đôn đáo” tìm cách giải vây bằng việc hợp tác đầu tư, chuyển nhượng,… Một số khác thì trì hoãn, giãn thời gian thực hiện dự án.


Những doanh nghiệp khác chọn phương án kích cầu nhằm cải thiện tình hình bằng việc giảm giá, khuyến mãi, chiết khấu,… hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp phải “cắn răng” cắt giảm lợi nhuận bán với giá gốc, thậm chí lỗ vốn. Tuy nhiên, vẫn không đủ sức làm lay chuyển tâm lý “chờ giá đáy” của người mua.

Nắm bắt tâm lý ngại lãi suất cao của khách hàng do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản, nhiều chủ đầu tư các dự án căn hộ đã chấp nhận phương án hỗ trợ lãi vay, chia khó với khách hàng.

Vừa qua, Công ty Địa ốc Tân Bình đã đưa dự án căn hộ Tân Mai được chào bán với giá khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2, được thanh toán 50% giá trị căn hộ để nhận nhà. Phần còn lại sẽ được trả chậm cho chủ đầu tư không tính lãi suất trong vòng 36 tháng.

Hay dự án căn hộ 4S Linh Đông, phường Linh Đông, quận Thủ Đức do Công ty Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư được đưa ra chào bán với mức giá từ 1 - 1,4 tỷ đồng/căn, khách hàng đóng 30% giá trị căn hộ, phần còn lại cũng được trả chậm trong 5 năm, với lãi suất 0%.

Mới đây, dự án Lotus Garden do Công ty Cổ phần Việt Âu làm chủ đầu tư đã chính thức mở bán đợt 5 với mức giá từ 15,6 triệu đồng/m2. Theo đó, để giảm bớt áp lực tài chính, chủ đầu tư đã trải rộng thời gian thanh toán và chia thành 8 đợt.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, mặc dù giá nhà đất hiện nay khá mềm nếu không nói là đáy, nhưng tâm lý người mua vẫn chờ giá giảm thêm, trong khi chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn. Vì vậy, thay vì trong chờ vào các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp địa ốc nên tự giải thoát mình bằng việc giảm giá, chiết khấu, trải rộng thời gian thanh toán,… nhằm thu hút đầu tư.

Giới doanh nghiệp địa ốc cho rằng, hiện nay thị trường có trầm lắng chỉ mang tính chu kỳ, “có xuống ắt có lên”, sau đợt giảm sâu này thị trường sẽ vực dậy. Vấn đề là các doanh nghiệp làm thế nào để đủ sức cầm cự đến khi thị trường “hồi sinh” trở lại.

Trong khi đó, giới kinh doanh lo ngại, động thái tung hàng của chủ đầu tư sẽ rất khó tạo sóng, đánh bật được thị trường đi lên, bởi khách hàng đang có tâm lý chờ thị trường chạm đáy. Mặt khác, do các doanh nghiệp quá chú trọng vào đầu tư loại nhà cao cấp dẫn đến phân khúc này đang có nguy cơ rơi vào bão hòa. Nhiều người lo ngại rằng, cú lội ngược dòng này là một hành động liều lĩnh trong thời kỳ thị trường quá ảm đạm.

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.