Nhiều dự án nghỉ dưỡng mọc lên, lượng khách du lịch đổ về Việt Nam nhiều nhưng nguồn nhân lực không theo kịp. Ảnh: Thuận Nguyễn
Ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM), cho biết vì đã ở thị trường này nhiều năm với mạng lưới rộng khắp nên doanh nghiệp ông không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự. Tuy nhiên tại một vài địa điểm như Phú Quốc, HTM thường không tuyển dụng đủ số lượng do vậy phải tìm đến các tỉnh thành khác để tìm kiếm, đào tạo.
“Tình trạng thiếu hụt về nhân sự vẫn sẽ tiếp tục” ông Schroter khẳng định và đề xuất để đáp ứng cho nhân sự 10-15 năm nữa, Việt Nam cần phải đầu tư vào giáo dục. Đào tạo không phải là công việc chỉ qua một ngày một đêm là xong mà cần những cấp độ và trải nghiệm nhất định trong nghề phục vụ con người.
Theo ông Schroter, Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnRea) Nguyễn Trần Nam cho biết, dù dư địa thị trường còn lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch hấp dẫn nhưng không phải dành cho tất cả. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng.
Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng của các nhân viên tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn còn yếu. Các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học bên ngoài.
Để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực, ông Nam gợi ý: “các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường bất động sản là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Novaland, chia sẻ một trong những vấn đề Novaland trăn trở là lực lượng lao động trong ngành du lịch nghỉ dưỡng mất cân đối. Lượng khách du lịch đổ nhiều về Việt Nam trong thời gian ngắn nhưng nguồn nhân lực không theo kịp. Cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, chưa nói đến chất lượng.
Ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc Công ty nhân sự First Alliances, khẳng định vấn đề thiếu hụt nguồn lao động đang gây khó cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Theo một cuộc khảo sát về nguồn nhân lực được gửi tới 100 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bất động sản, có 32 doanh nghiệp gửi lại phiếu khảo sát đầy đủ thông tin đều thừa nhận đang gặp khó với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là nhân sự cấp quản lý.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng nhóm chuyên gia Economica Vietnam cho biết, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có dự định đầu tư sẽ mở rộng quy mô đầu tư trong giai đoạn 2019-2021. Dù lạc quan về triển vọng của thị trường, nhưng các doanh nghiệp cho biết họ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Khó khăn lớn nhất là khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực còn hạn chế. Có đến gần 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định gặp khó khăn đối với việc tuyển dụng các nhân lực cấp quản lý. Nguyên nhân chính được xác định là do trình độ chuyên môn không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và đòi hỏi lương cao.
Bên cạnh đó là những trở ngại trong việc tiếp cận đất đai và giải phóng mặt bằng. Tiếp theo, các khó khăn liên quan đến nguồn vốn là lãi suất; xác định giá đất và thuế đất.
Giám đốc Công ty nhân sự First Alliances cũng nói thêm, các chủ đầu tư nên liên kết với các trường đạo tạo, nên thuê giáo viên trường để giảng dạy cho nhân viên tùy theo chi phí của doanh nghiệp, nên có bộ phận đào tạo nội bộ cho các thế hệ tiếp theo.
Về lâu dài, các nhà phát triển và vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng nên liên kết với những trường cao đẳng, đại học để đưa ra các tiêu chuẩn thực tế và cam kết tiếp nhận đầu ra. Làm tốt việc này sẽ giải quyết bài toán về trình độ nâng lực không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
-
Lợi nhuận condotel 10-15% chỉ là con số để quảng bá
CafeLand - Đó là nhận định của ông Kai Marcus Schroter,Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM), tại hội thảo Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 vừa diễn ra tại TPHCM ngày 6/4.
-
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi ra sao trong năm 2025?
Sau một khoảng thời gian trầm lắng tương đối dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2025 được dự báo có thêm nhiều tín hiệu tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi. Trong đó là những dấu ấn nổi bật về tăng trưởng khách du lịch năm 2024 và những kỳ vọ...
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.