Thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi trước những tác động tích cực của kinh tế vĩ mô.
Từ đầu năm đến nay, giá bất động sản tại các khu vực ở Hà Nội vẫn giữ xu hướng lao dốc, giảm trung bình 20%, cá biệt có những dự án giảm tới 30-40%. Tình trạng này khiến các chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp lâm vào khó khăn. Việc dự đoán thị trường đã vào giai đoạn “bắt đáy” hay bao giờ “tăng điểm” đang trở thành câu hỏi nóng nhưng khó với các chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhiều động thái cho thấy thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi trước những tác động tích cực của kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia kinh tế Lê Chí Hiếu cho rằng, đến giữa năm 2012, thị trường bất động sản mới có thể phục hồi. Còn từ giờ đến giữa năm sau, thị trường sẽ chạm đáy khi giảm giá 30-50% so với giá bán công bố.


Trên thực tế, hoạt động “bắt đáy” bất động sản vẫn âm thầm diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM. Nhiều dự án được chào bán ngay cả trong tháng 7 âm lịch, vốn được xem là “tháng cô hồn” và kiêng kỵ của giới kinh doanh nói chung. Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư tại các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các dự án có vị trí đắc địa, giá tốt vẫn được sự quan tâm của khách hàng. Tại TP.HCM, Bình Dương những dự án có giá thấp dưới 1 tỷ đồng, đất nền có giá 300-700 triệu đồng/nền vẫn có nhiều khách hàng tìm mua.


TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM đang có dấu hiệu đi lên còn thị trường Hà Nội đang xuống dốc và có thể chạm đáy vào giữa năm 2012. Sau đó thị trường bất động sản sẽ bước sang giai đoạn phục hồi từ quý III/2012. Nhận định này của TS Nghĩa xuất phát từ quá trình quan sát việc huy động nguồn vốn và “sức chịu đựng” trên thị trường bất động sản khi giá phổ biến chung là đi xuống.


Bên cạnh đó, những tín hiệu vĩ mô đang ngày một sáng sủa hơn như lạm phát có xu hướng giảm vào cuối năm, ở mức khoảng 15% hay việc Ngân hàng Nhà nước cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động tiền đồng ở mức 14%/năm và các đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ giữa tháng 9 ở các ngân hàng thương mại. Đồng thời, đề xuất đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất do Bộ Xây dựng kiến nghị đang được Chính phủ xem xét… được coi là những tín hiệu tốt giúp thị trường bất động sản thoát khỏi khó khăn và quay trở lại gia tăng giao dịch.


Theo thống kê được đưa ra tại Hội thảo Những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản tại TP. HCM mới đây, nguồn tiền ngoài hệ thống ngân hàng sẽ chiếm đến 60% nguồn vốn, tương đương 20 - 40 tỷ USD, có khả năng sẽ đổ vào thị trường bất động sản trong giai đoạn tới.


Ông David Edward Blackhall, Phó giám đốc bộ phận Bất động sản của VinaCapital cũng nhận định, thị trường căn hộ và văn phòng sẽ duy trì tình trạng cung lớn hơn cầu trong thời gian khoảng 2 năm tới, dẫn đến việc giá thuê - mua tiếp tục giảm. Tuy nhiên, do tín dụng bị thắt chặt và tâm lí kì vọng giá nhà đất tiếp tục sụt giảm nên người mua cũng không mặn mà với thị trường, mà tiếp tục chờ đợi giá nhà xuống thấp hơn. Bởi vậy, giao dịch trên thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các dự án đất nền giá hợp lý vẫn nhận được sự quan tâm của khách hàng.


VinaCapital cũng tỏ ra lạc quan vào sự ấm lại của thị trường nhà đất và dự báo, bất động sản sẽ trở lại mức tăng trưởng cao trong năm 2012, thanh khoản thị trường sẽ tốt hơn. Trong đó, thị trường vẫn sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở giá trung bình và các dự án nhà gắn liền với đất.


Với thực tế, sự hồi phục của thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào kinh tế thoát khỏi khó khăn và sức mua của khách hàng, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, giải pháp vốn chưa hẳn là cứu cánh quyết định. “Doanh nghiệp cần lựa chọn những sản phẩm phù hợp với khả năng thanh toán và nhu cầu của đa phần người dân, cũng như cân đối lợi nhuận để đưa ra những mức giá phù hợp, nhằm đảm bảo tính thanh khoản và tiêu thụ tốt những sản phẩm của mình”, ông Nam nói.

Theo Hữu Tuấn (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.