Đà suy thoái của ngành bất động sản Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn vào tháng trước trong một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế hàng đầu châu Á vẫn phải đối mặt với những khó khăn, bất chấp sự can thiệp gần đây của chính phủ.

Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/11 cho thấy giá nhà mới ở 70 thành phố trên khắp đất nước đã giảm 0,4% trong tháng 10. Theo Bloomberg, đây là tháng thứ 5 liên tiếp giá nhà mới giảm và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2015. Trong khi đó, giá nhà cũ đã giảm 0,6% trong tháng 10, mức cao nhất trong 9 năm qua.

Theo dữ liệu từ Viện Cato, quyền sở hữu bất động sản tư nhân chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc và gần 70% tổng tài sản hộ gia đình. Điều đó có nghĩa là việc giá nhà sụt giảm đã trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế đất nước.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại trong nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi để vượt kỳ vọng trong quý III. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc còn vật lộn với một loạt vấn đề khác, bao gồm giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao và xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng nợ dường như không bao giờ kết thúc, khiến 2 trong số những nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước đứng trên bờ vực sụp đổ, bao gồm China Evergrande và Country Garden.

China Evergrande là một trường hợp điển hình cho thấy việc ngành bất động sản từng góp phần vào sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, nhưng giờ đây đã trở thành điểm yếu cho chính nền kinh tế đất nước.

Công ty được thành lập vào năm 1996 và xây dựng các khu phức hợp nhà ở khổng lồ, giúp đẩy nhanh quá trình đưa Trung Quốc thoát khỏi nền kinh tế nông nghiệp. Cuối cùng, China Evergrande đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực bất động sản, thành lập các thực thể riêng biệt kinh doanh bán nước đóng chai và ô tô điện. Vào năm 2010, China Evergrande thậm chí đã mua lại một câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc, sau đó đưa câu lạc bộ này trở thành đội bóng thành công nhất đất nước.

Tuy nhiên, việc chính phủ Trung Quốc ngăn chặn hoạt động vay mượn của các nhà phát triển bất động sản kể từ năm 2020 đã khiến gã khổng lồ một thời đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí phải đưa ra các kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ.

Tổng giá trị của China Evergrande từng đạt đỉnh hơn 50 tỷ USD vào tháng 10/2017, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 3 tỷ USD kể từ khi cuộc khủng hoảng bất động sản xảy ra, theo dữ liệu từ CompaniesMarketCap.

Giá nhà vẫn tiếp tục giảm trong tháng 10, bất chấp những nỗ lực gần đây của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sự sụt giảm. Vào tháng 8, các nhà hoạch định chính sách đã cắt giảm giá trị các khoản đặt cọc tối thiểu và cho phép người cho vay có thể vay thế chấp với mức lãi suất thấp hơn như một phần của gói kích thích nhằm thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Chỉ số CSI 300 hàng đầu của Trung Quốc và chỉ số thị trường chứng khoán Hang Seng của Hong Kong đều giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 16/11 do dữ liệu thị trường nhà ở đáng lo ngại.

Theo các nhà phân tích, đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang bỏ qua hội nghị thượng đỉnh tại San Francisco của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Bình và tập trung vào các cuộc đấu tranh kinh tế của Trung Quốc.

Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường của Hargreaves Lansdown, cho biết: “Thị trường nhà đất mong manh của Trung Quốc đã xuất hiện trở lại. Hy vọng về một bước đột phá thương mại đáng kể từ các cuộc đàm phán giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình vẫn chưa thành hiện thực, mặc dù có một số tiến bộ hạn chế trong việc hàn gắn mối quan hệ. Dù vậy, cuộc họp đã không mang lại kết quả gì, chứng khoán Trung Quốc phần lớn giảm khi các nhà đầu tư để mắt tới các vấn đề kinh tế trong nước”.

Anh Nguyễn (Business Insider)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.